Cảnh giác với thủ đoạn lôi kéo, thành lập nhóm chống phá đất nước của 'tập hợp dân chủ đa nguyên'
Gần đây, cái gọi là 'Tập hợp dân chủ đa nguyên' đã lợi dụng mạng xã hội để đánh bóng tên tuổi, phô trương thanh thế, chỉ trích cơ quan chức năng, lên án chế độ, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân việc bị can Trần Khắc Đức ở TP Hồ Chí Minh bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam về tội 'Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam'.
Thông tin công khai, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Khắc Đức, sinh năm 1995, ngụ Quận 7, TP Hồ Chí Minh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 117 Bộ luật Hình sự). Được biết, khi phát hiện Trần Khắc Đức tham gia tổ chức phản động lưu vong “Tập đoàn dân chủ đa nguyên” nên Công an TP Hồ Chí Minh đã mời Đức làm việc, khuyến cáo, răn đe nhiều lần. Tuy nhiên, Trần Khắc Đức vẫn tiếp tục móc nối, liên lạc làm theo sự chỉ đạo từ một số đối tượng cầm đầu tổ chức này và tiến hành nhiều hoạt động như quản trị các trang mạng phản động; soạn thảo, đăng tin, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chống phá, xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc; đưa thông tin sai sự thật, hạ uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Không dừng lại, Trần Khắc Đức còn tìm cách móc nối, phát triển lực lượng cho tổ chức “Tập hợp dân chủ đa nguyên”. Hiện các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục nắm, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Trần Khắc Đức và những người có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Khắc Đức là đúng chức năng của cơ quan công an, đúng quy định của pháp luật. Vậy mà từ khi Trần Khắc Đức bị khởi tố và bắt giam, cái gọi là “Tập hợp dân chủ đa nguyên” đã lợi dụng mạng xã hội để tranh thủ phô trương thanh thế. Theo thông tin từ cơ quan chức năng cho biết “Tập hợp dân chủ đa nguyên” thực chất là một tổ chức lưu vong được thành lập từ năm 1982 do Nguyễn Gia Kiểng (cựu quan chức chế độ cũ, hiện đang sống ở nước ngoài) cầm đầu. Mục đích của tổ chức này là nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nếu như trước đây tổ chức này hoạt động thông qua hình thức đấu tranh bất bạo động thì nay thông qua mạng xã hội, các thành viên của tổ chức này tìm cách móc nối, lôi kéo người tham gia tổ chức, thành lập hội nhóm để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Các đối tượng của “Tập hợp dân chủ đa nguyên” đã lặp lại những luận điệu quen thuộc mà các thế lực thù địch thường xuyên chống phá Đảng và Nhà nước ta như: Phủ nhận những thành tựu đạt được của Việt Nam về kinh tế - xã hội. Trong điều kiện khó khăn chung, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hơn 7%/năm là một cố gắng lớn, vậy mà các đối tượng lại cho rằng chưa tương xứng, thậm chí cho đây là sự yếu kém khi thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay cả những ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số về nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo... cũng bị phớt lờ. Các đối tượng của “Tập hợp dân chủ đa nguyên” công kích sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ Điều 4 hiến định về vai trò lãnh đạo của Đảng. Những thông tin tích cực thì họ phủ nhận, những thông tin về một số yếu kém, bất cập thì lập tức được thổi phồng, viện cớ lu loa, đổ lỗi cho chính quyền, chế độ...
Đối với Việt Nam, mọi công dân đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Điều này không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Bởi lẽ, thượng tôn pháp luật là một đòi hỏi, là tiêu chí của một chế độ dân chủ. Điều 3, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Hiến pháp cũng nêu rõ: “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị” (Khoản 2, Điều 11), “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (Khoản 4, Điều 15).
Thực ra, rất nhiều người đã biết đến sự hình thành và tồn tại của “Tập hợp dân chủ đa nguyên” từ năm 1982 đến nay và không khó để nhận ra chân tướng và mưu đồ thâm độc của tổ chức này. Đó là một số viên chức sĩ quan ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 đang sống lưu vong ở nước ngoài. Mặc dù thời gian đang lùi xa gần 50 năm kể từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, nhưng tổ chức này vẫn mang thù hận nuôi mộng “phục quốc”, kêu gào tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng mạo danh là “kẻ sĩ yêu nước”, “trí thức thương nòi”, “chiến sĩ dân chủ” thường xuyên sử dụng các chiêu trò giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng, đánh tráo khái niệm lôi kéo những người nhẹ dạ, kẻ tin đi theo chúng. Đáng nói là chúng công kích người dân quay lưng lại với đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chúng kêu gọi chuyển đổi thể chế chính trị; coi đa nguyên đa đảng như một giải pháp hữu hiệu giúp đất nước nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo...
Thật đáng trách, đáng lẽ ra, với thực tiễn đất nước đang ổn định và phát triển, nếu thật sự yêu đất nước, vì đất nước, những người này phải chung tay cùng người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước giữ gìn sự đoàn kết đóng góp cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Cần tỉnh táo hiểu rằng việc lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng là sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc Việt Nam, là sự giao phó của lịch sử Cách mạng Việt Nam đã được sàng lọc và thực tiễn kiểm chứng. Độc lập dân tộc là thuộc tính nội tại của chủ nghĩa xã hội với tư cách một chế độ xã hội; độc lập dân tộc là tiền đề để xây dựng chủ nghĩa xã hội; không có độc lập dân tộc sẽ không có xã hội xã hội chủ nghĩa và đi lên chủ nghĩa xã hội để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Chỉ khi đó, độc lập dân tộc mới đi liền với ấm no, tự do, hạnh phúc chung của Nhân dân.
Những quan điểm và việc làm sai trái nêu trên của “Tập hợp dân chủ đa nguyên” cần được phát hiện và đấu tranh kịp thời, nhất là trong tình hình hiện nay. Vì vậy, mỗi cá nhân, người sử dụng nhất là giới trẻ khi tham gia mạng xã hội cần đề cao cảnh giác, có bản lĩnh, quan điểm, chính kiến rõ ràng, biết phân biệt phải, trái, đúng, sai. Nếu không, đây là “kẽ hở” tạo cơ hội cho kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ dẫn đến những hoạt động vi phạm pháp luật để rồi bản thân phải trả giá.