Cảnh giác với tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn chạy án
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn 'chạy án' đang diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác trong cả nước. Thủ đoạn của chúng là giả danh Công an, giả mạo người thân, người quen của lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo trong CAND để 'chạy án', chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của lực lượng CAND.
Vụ việc mới nhất, ngày 3-2 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng đã di lý Chế Kim Mỹ Ngân (43 tuổi, quê Ninh Thuận, tạm trú TPHCM) về Đà Nẵng để phục vụ công tác điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn "chạy án". Trước đó, anh N.Đ.V.T (trú Đà Nẵng) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM triệu tập để điều tra về hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng. Trong thời gian vào TPHCM làm việc theo triệu tập của Cơ quan điều tra, anh T. ở nhờ căn hộ chung cư của Chế Kim Mỹ Ngân tại Quận 1 (do trước đây anh T. và Ngân từng là đồng nghiệp làm việc trong một công ty tại TPHCM). Biết anh T. lo lắng sẽ bị khởi tố, bắt giữ, Ngân dùng thủ đoạn mạo nhận có quan hệ quen biết với một số lãnh đạo cao cấp ở Trung ương và Bộ Công an, sau đó gợi ý anh T. lo tiền để "chạy án". Từ tháng 6-2023 đến 20-1-2024 anh T. đã đưa cho Ngân số tiền 6,6 tỷ đồng. Phần lớn việc giao tiền được anh T. chuyển khoản tại Đà Nẵng vào tài khoản của Ngân. Đến khi phát hiện bị đồng nghiệp cũ lừa dối để chiếm đoạt số tiền lớn, anh T. đã làm đơn tố cáo đến Công an TP Đà Nẵng. Tại Cơ quan Công an, Ngân khai nhận đã tiêu xài hết số tiền chiếm đoạt được của anh T. Cơ quan Công an tạm giữ 3 ĐTDD, 1 Ipad và một số trang sức là các tài sản mà đối tượng mua từ số tiền phạm tội mà có.
Trước đó 2 ngày, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng bắt giữ Trần Kim Hùng (1983, trú Hải Hậu, Nam Định). Hùng tự xưng là "Phó Trưởng phòng thanh tra pháp luật thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, có nhiều mối quen biết trong lực lượng Công an và có thể giúp xử lý được các vụ án, vụ việc mà cơ quan Công an đang thụ lý, giải quyết". Hùng khai nhận với thủ đoạn này, đối tượng đã thực hiện trót lọt một số vụ lừa đảo trước khi bị bắt.
Không chỉ ở Đà Năng, nhiều địa phương khác tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn "chạy án" cũng rất phức tạp. Ngày 24-1, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Việt Bắc (1983, trú Thanh Xuân, Hà Nội). Kết quả điều tra xác định từ tháng 4-2022, sau khi biết thông tin về việc bị hại có thân nhân đang bị điều tra liên quan đến vụ án do Công an tỉnh Kom Tum thụ lý, Bắc đã tự xưng là "cán bộ Cục C02 quản lý địa bàn Tây Nguyên, đã phá nhiều chuyên án lớn, có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo Công an các tỉnh Tây Nguyên để giúp người nhà của bị hại được trắng án", sau đó chiếm đoạt số tiền 70 ngàn USD.
Trước tình trạng tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn "chạy án" diễn biến phức tạp, ngày 6-3, Đại tá Nguyễn Văn Tăng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã ký công văn gửi Công an các đơn vị, địa phương để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Theo Đại tá Nguyễn Văn Tăng, các đối tượng lừa đảo nắm bắt được tâm lý muốn "chạy án" của một số người khi họ hoặc người thân có liên quan đến vụ án, vụ việc nên đã chủ động tạo dựng vỏ bọc, giả danh là Công an, người thân, người quen của một số lãnh đạo trong ngành Công an để tiếp cận với bị hại, hứa hẹn có thể tác động giúp người có liên quan đến pháp luật không bị xử lý khiến cho bị hại tin tưởng, giao tiền. Các đối tượng thường đưa ra số điện thoại, hình ảnh của một số lãnh đạo trong ngành Công an (khai thác trên mạng internet); ảnh chụp chung của mình với một số lãnh đạo (thường được chỉnh sửa bằng công nghệ); làm giả chứng minh Công an nhân dân hoặc một số giấy tờ có liên quan đến ngành Công an…để tạo niềm tin. Thậm chí, chúng còn chủ động tiếp cận với lãnh đạo, cán bộ trong Ngành để tạo quan hệ, ảnh hưởng, khai thác thông tin liên quan đến ngành Công an, liên quan đến vụ án, vụ việc để phục vụ cho việc lừa đảo.
Qua công tác điều tra các vụ án lừa đảo với thủ đoạn "chạy án" cho thấy, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên khi bị cơ quan điều tra triệu tập làm việc hoặc đã bị xử lý về mặt pháp luật thì họ thường tìm kiếm các mối quan hệ để tác động nhằm "miễn, giảm" trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, công tác điều tra giải quyết một số vụ án, vụ việc còn kéo dài dẫn đến tâm lý lo lắng của các đối tượng trong vụ án, vụ việc; một bộ phận cán bộ chiến sĩ trong CAND chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật công tác, quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc đang giải quyết…Đây là những nguyên nhân, điều kiện để tội phạm lừa đảo với thủ đoạn "chạy án" lợi dụng hoạt động. Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm này cần tập trung triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện nêu trên.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/canh-giac-voi-toi-pham-lua-dao-bang-thu-doan-chay-an-post291773.html