Cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Năm 2024, Công an tỉnh Kiên Giang ghi nhận, xử lý 22 vụ lừa đảo qua mạng với tổng số tiền khoảng 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn, vì nhiều nạn nhân chưa trình báo do tâm lý e ngại hoặc thiếu hiểu biết.

Tội phạm công nghệ cao thường nhắm đến nhóm người cao tuổi, phụ nữ, sinh viên, công nhân... thông qua việc lấy lòng tin, đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản. Chị Phan Thị Như Ý, ngụ huyện Châu Thành cho biết: “Có lần, tôi nhận cuộc gọi lạ thông báo thuê bao sẽ bị khóa, yêu cầu liên hệ tổng đài. Sau đó, họ gửi đường link yêu cầu đăng nhập. Khi tôi đăng nhập đường link này, tiền trong tài khoản tôi bị mất”.

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử 4 bị cáo Nguyễn Thông Thái, Dương Văn Tài, Trương Hán Chương và Hồ Minh Phúc về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Từ tháng 7-2023 đến ngày 29-2-2024, nhóm này đã giả danh nhân viên ngân hàng để liên hệ chủ thẻ tín dụng, tư vấn nâng hạn mức hoặc hoàn phí thường niên mà không cần đến ngân hàng. Qua đó, nhóm chiếm đoạt thông tin bảo mật, đặt mua hàng điện máy trực tuyến rồi bán lại để chia tiền tiêu xài.

4 bị cáo lãnh án tù vì sử dụng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4 bị cáo lãnh án tù vì sử dụng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với thủ đoạn trên, Thái, Tài, Chương và Phúc đã thực hiện 27 vụ, chiếm đoạt tổng cộng 312 triệu đồng. Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận biết rõ hành vi lừa đảo là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện vì không có việc làm, thu nhập. Hội đồng xét xử tuyên phạt Thái 2 năm 6 tháng tù, Tài 2 năm tù, Chương 1 năm 9 tháng tù và Phúc 1 năm 6 tháng tù.

Theo Bộ Công an, hiện có 24 hình thức lừa đảo phổ biến qua mạng, như lừa đảo combo du lịch giá rẻ; lừa đảo khóa SIM vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; lừa đảo tuyển người mẫu nhí, cộng tác viên online, dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.

Một số đối tượng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.

Ngoài ra còn nhiều hành vi lừa đảo khác như phát tán link độc hại; giả trang web cơ quan nhà nước, ngân hàng, thương hiệu nổi tiếng lừa đảo; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng, cho số đánh đề... Một số đối tượng dùng thủ đoạn lừa đảo kết hợp với công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, giả mạo hình ảnh, giọng nói để tăng mức độ tin tưởng, khiến nạn nhân khó phân biệt thật, giả.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 29/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5-5-2025, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành công văn yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các địa phương mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt trong giai đoạn sắp xếp lại tổ chức bộ máy công an cơ sở.

Sở Khoa học và Công nghệ được giao rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, đồng thời phối hợp Công an tỉnh triển khai giải pháp số hóa quy trình cung cấp thông tin thuê bao, thông tin tên miền... nhằm hỗ trợ công tác điều tra, truy vết và xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng.

Trước sự tinh vi và biến tướng liên tục của tội phạm trên không gian mạng, mỗi người dân cần tự nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức an toàn thông tin, không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân, nhất là tài khoản ngân hàng, mã OTP, căn cước công dân qua các đường link, cuộc gọi lạ hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc. Việc chủ động nhận diện rủi ro, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác chặt chẽ với lực lượng chức năng sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa các thiệt hại do tội phạm trên không gian mạng gây ra.

Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phap-luat/canh-giac-voi-toi-pham-lua-dao-tren-khong-gian-mang-26237.html