Canh giây đèn hay chờ ý thức?

Lưu thông trên đường bằng nhận thức an toàn chứ không chỉ bằng nhận diện số giây chớp ở đèn tín hiệu giao thông. Khi đó, đèn có đếm giây hay không cũng không còn quan trọng.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa thí điểm bỏ đếm giây trên đèn tín hiệu giao thông tại 4 giao lộ. Trong đó, 3 ngã tư nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu ở quận 3, giao cắt liên tiếp với đường Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Cách Mạng Tháng Tám, ngã tư còn lại là Mai Chí Thọ - Tố Hữu ở thành phố Thủ Đức. Mới làm thử vài nơi, mà đã gây xôn xao.

Trong bối cảnh đường sá đông đúc ở siêu đô thị như TP.HCM, việc đèn giao thông không báo số giây chờ, tác động mức độ nào đến thói quen đi lại? Không còn thấy con số trên đèn giao thông, cũng không mang đến cảm nhận chậm lại hay nhanh hơn. Dừng phía xa ngóng đợi đèn chuyển xanh, thì chưa biết việc đếm giây hay bỏ hiển thị thời gian, cách thức nào đỡ gây sốt ruột hơn, hay gia tăng căng thẳng hơn.

Nhấn mạnh yếu tố cảm giác của người chờ tín hiệu trên đường, bởi mục đích bỏ đếm thời gian trên đèn giao thông của Trung tâm Quản lý giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM là nhắm vào hành vi, thói quen của con người. Theo quan điểm của đơn vị triển khai, thay đổi này bên cạnh việc giúp nhận diện hành vi giao thông, còn nhằm phá dỡ thói quen của nhiều người khi đèn tín hiệu chỉ còn 1 - 2 giây nhưng họ vẫn cố phóng ào qua giao lộ rộng.

Người đi đường dừng chờ đèn tín hiệu đã bỏ đếm giây ở giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu. Ảnh: Tr.M

Người đi đường dừng chờ đèn tín hiệu đã bỏ đếm giây ở giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu. Ảnh: Tr.M

Tranh luận xuất hiện sau động thái của cơ quan chức năng. Phía đồng tình cho rằng hiển thị số giây hay tắt nó đi thì người ta vẫn cứ đèn đỏ buộc dừng, đèn xanh phải chạy. Phía phản đối thì lo ngại việc bỏ đếm ngược làm người đi đường bị động, mất dấu hiệu căn cứ vào để xử lý tình huống. Đây là phản xạ tâm lý thường có ở nhiều người khi đối diện với sự đổi thay, tác động vào nếp đã quen. Thực tế tại TP.HCM, đèn giao thông có báo thời gian và đèn tín hiệu không đếm giây đều được sử dụng, tùy theo tình hình giao thông trên các địa bàn.

Việc bỏ con số trên đèn hiệu ở một số giao lộ, nằm trong bối cảnh mật độ xe lưu thông ở các khu vực là không giống nhau, chưa kể các yếu tố khác ảnh hưởng đến hành vi giao thông. Mục đích có thể đạt thành, có thể không. Nơi mới bỏ số giây có khi phải đặt trở lại bộ đếm. Ngược lại, chỗ vừa cài đếm thời gian, đến một thời điểm xét thấy không cần thiết. Nắm bắt, lượng định hành vi con người tuy khó, nhưng quyết định được đưa ra xuất phát từ nền tảng đó phải xét trên cơ sở khoa học, căn cứ thông số thực tế.

Để thuyết phục người dân, cả phía ủng hộ lẫn nhóm không đồng tình, phải chờ kết quả thí điểm. Nhưng dịch chuyển, chỉnh sửa nào rồi thì cũng ổn thỏa, đâu vào đó cả. Luật định về giao thông đường bộ nói chung, hay quy tắc đèn đường nói riêng, tất cả cá nhân phải tuân thủ, không có ngoại lệ.

Nếu vẫn cứ tuân theo tín hiệu phát ra từ 3 ô tròn xanh đỏ vàng trên cột đèn giao thông đứng ngoài ngã tư, thì trong đầu người đi đường không phải nghĩ ngợi gì cả. Còn nếu đến giao lộ mà cứ ngó chừng, canh me tận dụng một vài giây đèn đang nhảy số, thì sẽ lấn cấn, lăn tăn. Có lý trình bày để ủng hộ và cũng có lẽ đưa ra khi phản đối. Nhưng ý thức thực thi lệnh đèn, cũng chính là luật giao thông thì không cần biện hộ, giải thích.

Cơ quan chuyên môn đảm trách việc đo đếm các số liệu về giao thông, thực hiện các xác quyết quanh cái cột đèn tín hiệu ở giao lộ. Người đi đường thì cần di chuyển đúng làn, đúng vạch, làm chủ tốc độ, dù có thể trễ cuộc hẹn quan trọng hay không kịp giờ chấm công. Phải hiểu rằng mình đã được cho thời gian đèn vàng để nhanh nhạy chạy khớp đèn xanh, ngó chừng dừng kịp đèn đỏ.

Trí Minh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/canh-giay-den-hay-cho-y-thuc-44366.html