Canh khế cua đồng
Tôi xa quê hương khi là chàng trai vừa tròn hai mươi tuổi. Ước mơ đổi đời, ước mơ thoát khỏi cuộc đời nông dân từ đời ông cố, ông nội rồi đến ba, mẹ đã nung nấu ý chí tôi bay ra khỏi lũy tre làng.
Với tôi, chỉ có học hành rồi lập nghiệp nơi phố thị mới thay đổi một con người đã từng chân lấm, tay bùn; sáng cắp sách đến trường, chiều tay cày, tay cuốc trên cánh đồng làng mà cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Mùa hè, với cái nắng nóng của quê hương đã nung nấu ý chí tôi, vừa làm vừa học cho kỳ thi tuyển sinh. Mặc dù có trễ hơn với bạn bè cùng trang lứa, nhưng với lòng quyết tâm và sự động viên của ba mẹ, giấc mơ giảng đường cũng đã đến được với bản thân.
Ngày xa nhà lên thành phố học, tôi đã bỏ lại quê hương một màu xanh ruộng đồng mênh mông trong niềm thương nhớ. Bỏ lại quê hương những giọt mồ hôi trong những bữa cơm trưa hè với nồi canh cua đồng nấu với những trái khế chua. Bỏ lại quê hương những kỷ niệm tuổi thơ xuống mương, xuống ruộng bắt cá, bắt cua; rồi trèo lên cây khế sau vườn hái những trái vừa chua, vừa chín nấu canh cho những bữa cơm cả gia đình. Ngôi nhà tranh vách đất siêu vẹo, ẩm thấp, rêu phong theo năm tháng vẫn đứng vững với thời gian. Nơi ấy, thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam là chiếc tổ ấm để tôi tung cánh bay xa; giờ đây mỗi khi nhớ lại và mỗi lúc về thăm chỉ còn là sự trống vắng. Trưa hè, ở quê cứ thênh thang, lúc ẩn lúc hiện trong tôi khi nghĩ về, cuốn theo nỗi nhớ trào dâng.
Tôi nhớ như in khi mùa hè đến lúa ngoài đồng đã chín vàng, mùa thu hoạch đã tới. Những người nông dân đi gặt, đi gánh lúa; trẻ em đi mót lúa thường xách theo chiếc giỏ, chiếc thùng gánh nước… Những chú cá rô và cua đồng không kịp ẩn nấp trên những đám ruộng cạn bị bắt bỏ vào giỏ, vào thùng. Sau những buổi đi gặt về, ba mẹ tôi và anh em tôi cũng có được một mớ cá, mớ cua. Những con cua càng to được lựa để riêng, chiều chiều nhóm lò than nướng, mùi cua nướng thơm lan tỏa cả một góc nhỏ của ngôi làng. Số cua còn lại được rửa sạch, cho vào cối đá giã nhuyễn lược lấy nước đem nấu canh với những trái khế chua, chín mộng được cắt cạnh nhỏ, khi đun sôi nêm nếm gia vị sẽ có nồi canh thật tuyệt vời. Tuy lâu lắm rồi không được ăn những món như thế, nhưng vị ngọt của cua, vị chua của khế và mùi thơm của khói bốc lên nghi ngút luôn ở mãi trong đầu, theo tôi đến tận bây giờ. Lội đồng nhiều, đôi bàn chân trần bé bỏng của anh em chúng tôi không làm sao tránh khỏi bị nước ăn chân, đêm về ngứa phải gãi trầy xước chảy máu. Mẹ tôi thường lấy những trái khế chua đốt trên lửa than, trái khế cháy đen, lúc còn hơi ấm ấm xát vào những chỗ bị ngứa làm rát bỏng bàn chân, vậy mà mau lành. Khế chua còn nhiều công dụng nữa mà ít ai biết đó là, người già và trẻ em khi trở trời thường bị ho, dùng trái khế chua đốt lên lửa than, vắt lấy nước cho vào một ít rượu gạo cũng trị được hết ho. Theo y học cổ truyền, trái khế chua có vị ngọt, chua, tính bình có công dụng tiêu viêm, trừ đờm, trừ phong thấp… Từ lâu dân gian đã dùng khế chua ngoài chữa bệnh như ho, cảm, thì đặc biệt là công dụng chữa bệnh xương khớp mà điển hình là viêm khớp, bệnh thần kinh tọa, bệnh phong tê thấp. Những người là dân văn phòng, lao động nặng nhọc, người cao tuổi sẽ thường xuyên phải chịu những cơn đau đớn này và nó gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống. Khế chua ngâm đường phèn là liệu pháp tốt nhất để chữa bệnh.
Những ngày hè, nghĩ về quê hương nhớ về một thời cơ cực, tôi luôn nhớ những điều bình dị, mộc mạc, đơn sơ nhất. Hình ảnh những con đường nhỏ rợp bóng dừa che mát cả tuổi thơ; hình ảnh cánh đồng lúa chín khi những bông lúa đã vàng óng cuối đầu, lũ trẻ chăn trâu trên cánh đồng chiều muộn như bức tranh quê được các họa sĩ khéo vẽ với đa sắc màu. Nhớ về quê hương, tôi thấy vẫn còn đó cây khế, cây xoài, hàng cau, cây dừa, bụi chuối… mà năm nào tôi theo ba đào đất để trồng, giờ nó vẫn đứng vững chắc nơi góc vườn. Nhưng tôi không tìm lại được tiếng nói cười của ba vì ba tôi đã đi xa, và cũng không còn những tiếng cười của lũ trẻ leo trèo trên các cành cây đùa nghịch hái trái của ngày xưa. Những người như tôi lớn lên từ ruộng đồng, nương rẫy, sông nước nên trong tim luôn nhớ lắm, nhớ mùi quê hương, nhớ bữa cơm có món canh khế chua nấu với cua đồng. Đêm về cứ văng vẳng bên tai tôi những vần thơ của tác giả Vi Thức: Nhớ sân nhà, nhớ giếng nước lặng thinh/ Nhớ dáng bà trong bóng chiều nhập nhoạng/Tiếng bà nói còn đâu đây bảng lảng/Tiếng quê hương vang vọng nhói tim buồn.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/canh-khe-cua-dong-99103.html