Canh lửa, giữ rừng mùa hanh khô
Là tỉnh có diện tích rừng lớn, độ che phủ cao nên công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng luôn được tỉnh Lai Châu đặc biệt coi trọng. Bước vào mùa khô hanh năm nay, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống cháy rừng hiệu quả.
Huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu) được biết đến là vùng đất gió, nơi có nền nhiệt chênh lệnh giữa các vùng khá cao. Thời gian này, nắng nóng, hanh khô kéo dài và cũng là thời điểm người dân chuẩn bị bước vào vụ đốt nương làm rẫy, phát dọn thực bì chuẩn bị cho vụ sản xuất trên các sườn đồi. Tuy nhiên, nhiều diện tích nương rẫy lại giáp với diện tích rừng nên tiềm ẩn nguy cơ cao cháy lan vào rừng.
Xác định không để cháy rừng xảy ra tại các khu vực giáp rừng, các cán bộ kiểm lâm địa bàn đã thường xuyên có mặt để giám sát cũng như tuyên truyền bà con đảm bảo các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Anh Lò Văn Tuyến, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thị trấn Phong Thổ cho hay, trong phòng cháy, chữa cháy rừng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm tuần tra, bám sát địa bàn để tuyên truyền cho người dân không đốt nương rẫy trong mùa hanh khô, đồng thời hướng dẫn làm các đường băng cản lửa.
Nhờ được cán bộ kiểm lâm và các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền việc bảo vệ rừng và phòng chống, chữa cháy rừng nên người dân trên địa bàn huyện Phong Thổ đã có ý thức và trách nhiệm cao trong quá trình làm nương rẫy. Tại một số bản, dù nhiều hộ dân đã đảm bảo các điều kiện về làm đường băng cản lửa, xử lý thực bì nhưng khi thấy nắng nóng, khô hạn kéo dài cộng với gió to nên hoãn việc đốt nương để không ảnh hưởng đến rừng.
Ông Voòng Cá Lành (Tổ dân phố Pa So, thị trấn Phong Thổ) cho biết, nương rẫy của gia đình ông ở sát rừng, nên khi được các cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về các biện pháp phòng chống cháy rừng thì ông cùng bà con đã làm đường băng cản lửa, trong những ngày nắng nóng, gia đình ông không thực hiện việc đốt nương, làm rẫy để không xảy ra ngay cơ cháy lan vào rừng.
Huyện Phong Thổ có tổng diện tích tự nhiên gần 103.000 ha; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 76.000 ha, diện tích rừng là trên 45.600 ha. Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng khi thời tiết hanh khô như hiện nay, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng với phương châm 4 tại chỗ; lập các chốt trạm cửa rừng và tổ chức tuần rừng; cử cán bộ xuống nắm sát từng địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Xác định nguyên nhân của các vụ cháy rừng chủ yếu là do việc đốt nương thiếu khoa học của người dân để cháy lan vào rừng. Vì vậy, công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách đốt nương, tạo đường băng cản lửa đang được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phương châm “phòng cháy là chủ yếu, chữa cháy phải kịp thời” để tập trung mọi biện pháp trong thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó hạt trưởng phụ trách Hạt kiểm lâm huyện Phong Thổ cho biết, thời điểm hiện tại rất khô hanh, cấp cháy rừng luôn ở cấp 4, cấp 5 rất nguy hiểm, do đó đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo các xã, thị trấn và các chủ rừng chủ động và có phương án tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng; lực lượng kiểm lâm địa bàn tích cực tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức tuần tra, ứng trực tại các điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao.
Tại huyện Than Uyên, thời gian này nắng nóng gay gắt kéo dài, các cánh rừng trên địa bàn huyện Than Uyên luôn cảnh báo ở mức nguy cơ cháy cao. Để giữ bình yên cho những cánh rừng, các cấp ngành trên địa bàn huyện tích cực và chủ động triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, với quyết tâm hạn chế thấp nhất nguy cơ, thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo cán bộ kiểm lâm cắm địa bàn tham mưu UBND các xã, thị trấn thành lập các chốt gác tạm thời tại các xã trên địa bàn huyện để kiểm soát, phát hiện sớm lửa rừng. Bên cạnh đó, cập nhật kịp thời thông tin cảnh báo cháy rừng, điểm cháy qua vệ tinh của Cục Kiểm lâm; điều chỉnh biển cấp dự báo cháy rừng tại các xã có nguy cơ cháy rừng cao.
Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy kịp thời, khẩn trương và hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ". Thường xuyên thực hiện thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng đến UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng và nhân dân nắm bắt, chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
Ông Hoàng Đình Tuyển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên cho biết, ngoài thực hiện công tác tuần tra, canh gác thì đối với những vùng xung yếu như xã Mường Kim, Tà Nung và một số xã vùng dưới, đơn vị đã xây dựng trên 75km đường băng trắng cản lửa, các trang thiệt bị phòng chống cháy cũng được đầu tư cho các xã, sẵn sàng cho công tác ứng cứu cháy rừng khi xảy ra.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các địa phương của tỉnh Lai Châu cũng chú trọng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng để góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Bản Nà É (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) hiện có trên 118 ha rừng; trong đó, có 95 ha được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, với số tiền được chi trả hơn 100 triệu đồng/năm. Do đó, bà con trong bản tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Với phương châm "giữ rừng như giữ nhà", thời điểm khô hanh như hiện nay, xã Mường Kim cử người túc trực, tuần tra những khu rừng trọng điểm, nhất là những nơi có nguy cơ cháy rừng cao. Nhiều người dân trong xã đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng cũng như chủ động trong mọi tình huống về phương tiện, nhân lực để kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
Tính hết năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của xã Mường Kim đạt 30,27%. Đặc biệt, hàng năm xã có hơn 1.954 ha được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Ông Lò Văn Pành, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho hay, hàng năm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn xã được triển khai kịp thời, cấp phát kinh phí kịp thời tới các thôn, bản, các hộ dân, từ đó bà con nhân dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức cao trong bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 31/12/2023, tổng diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu là hơn 494.841 ha; trong đó, diện tích có rừng trên 461.810 ha, rừng trồng chưa thành rừng hơn 20.092 ha, diện tích cây cao su gần 12.939 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,35% (tăng 0,48% so với năm 2022).
Chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng, đề xuất các dự án, hạ tầng lâm sinh. Các địa phương dành nguồn lực cho bảo vệ rừng; giao nhiệm vụ người phát ngôn để kịp thời thông tin các vụ việc, giúp cho việc nắm bắt thông tin và xử lý các nhiệm vụ.
Cùng với đó, các cơ quan thành viên Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng, các địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân. Kiểm tra lại nội dung của hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng; trong đó lưu ý việc đánh giá trách nhiệm của các bên nhận khoán.