'Canh'… nấm mối lên

'Đây rồi! Canh mày cả 10 ngày nay mới chịu mọc lên…' - Cường phấn khích chạy nhanh đến nơi có đám nấm mối vừa nhú lên cách mặt đất chừng 3 cm... Những cây nấm mối mềm mại màu sữa tươi non nhìn hấp dẫn đến lạ…

New Page 1

Tháng 6, khi những cơn mưa nặng hạt rớt xuống thấm vào lòng đất cũng là lúc nấm mối bắt đầu mọc lên. Ở Bình Thuận nấm mối mọc nhiều ở các rẫy điều, cao su, các triền đồi có nhiều ụ mối sinh sống… Từ Tuy Phong đến Đức Linh đều có nấm mối nhưng nhiều nhất là vùng Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân vì những vùng này có lượng mưa lớn, cây tạp và gỗ mục nhiều tạo điều kiện tốt cho môi trường con mối sinh sống để sinh ra nấm mối tự nhiên…

Theo chân thợ hái nấm mối

Mặc dù đang lo lắng về dịch Covid-19 nên tôi hạn chế tối đa việc đi xa, nhưng Nguyễn Cao Cường ở thôn Bàu Chim, xã Đức Thuận, Tánh Linh trấn an: “Chú cứ yên tâm, dân ở đây sợ bị lây dịch nên bà con phòng bệnh kỹ lắm. Hơn nữa, dân miền núi từ sáng đến tối mịt làm trên rẫy ít tiếp xúc với người lạ nên chuyện mắc dịch Covid-19 đâu phải dễ…”. Nghe Cường phân tích quá thuyết phục, tôi tự tin chạy xe lên Tánh Linh tháp tùng Cường đi “canh” nấm mối để hái. 17 giờ chiều, tôi có mặt ở Đức Thuận, mang theo một ít hải sản Phan Thiết làm quà cho Cường. 2 chú cháu ngồi lai rai tới tầm 22 giờ thì Cường ngưng để đi cạo mủ cao su, không quên dặn tôi tranh thủ ngủ một tí để có sức đi hái nấm. 2 giờ sáng, tôi đang ngon giấc thì Cường “dựng ngược” dậy bảo đi hái nấm. Ôi trời hái nấm gì vào cái giờ nghịch cả thế giới đang ngủ. Mắt nhắm mắt mở chưa định thần thì Cường đưa cho bộ đồ lao động dày cộp bảo phải mang vào với lời cảnh báo đi rẫy sáng sớm rất dễ bị côn trùng cắn.

Chiếc xe máy cà – tàng Cường đèo tôi băng qua khoảng 15 km thì đến rẫy cao su ở xã Gia Huynh. Đây là vườn cao su khoảng 5 ha Cường nhận khoán cạo mủ khoảng 5 năm nay cho một đại gia ở Tánh Linh. Trên đường đi tôi thấy có cả trăm người đội đèn pin trên đầu, ánh đèn pin loang loáng làm sáng cả một góc trời. Phải nói thêm rằng, so với các xã khác, Gia Huynh là nơi có diện tích cao su nhiều nhất tỉnh. Nếu mở rộng ra thì từ Gia Huynh, Suối Kiết (Tánh Linh) kéo dài qua Đông Hà, Tân Hà, Trà Tân (Đức Linh) là vùng cao su trọng điểm của tỉnh. Khu vực này trước đây là rừng nghèo kiệt nên được quy hoạch trồng cây công nghiệp cao su, nơi đây có nhiều gỗ mục nên mối sinh sôi nảy nở rất nhiều, nhiều ụ mối lâu năm to bằng căn nhà bếp và từ đây nấm mối cũng mọc lên nhiều nhất tỉnh… Cường kể: “22 giờ tối bọn cháu đi cạo, 3 giờ đến 5 giờ sáng đi trút mủ, trong khoảng thời gian nghỉ giải lao tranh thủ đi tìm nấm mối”. Theo Cường, nấm mối chỉ mọc vào ban đêm còn ban ngày khi mới tượng hình chỉ nằm yên dưới đất, nấm mối chỉ tồn tại trong 1 ngày. Đêm mọc, chiều lại tàn nên người đi hái nấm phải canh được thời gian, quy luật vùng nấm mối mọc để hái. Nấm mối không bao giờ mọc những nơi bị ô nhiễm môi trường, nhất là những khu vực người dân phun thuốc diệt cỏ mà thường mọc gần ụ mối, vùng đất sạch cao nhưng có độ ẩm.

Chưa có ai giải thích rõ ràng về tên gọi “nấm mối” nhưng có lẽ do trước đây nấm thường mọc gần ụ mối nên dân gian gắn tên cho là nấm mối chăng?! Riêng với tôi, hồi tấm bé học cấp 2, tôi thường theo cha và anh trai đi hái nấm khi nghỉ hè lúc đầu mưa. Cứ tầm 4 - 5 giờ sáng, sau khi đã chuẩn bị chiếc đèn pin và cái “bay” của thợ xây, 3 cha con đi vào các vườn điều, nơi thường có các ụ mối ùn lên vào mùa mưa. Đến bây giờ dù đã trải qua hơn 30 năm, có một ít kinh nghiệm hái nấm mối nhưng câu hỏi vì sao nấm mối lại mọc gần ụ mối, mà năm nào cũng đi loanh quanh các điểm nấm mối mọc năm trước để hái nấm trở lại, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời. Nhiều lão nông gần cả đời đi hái nấm mối cũng chỉ giải thích khá đơn giản và chẳng có tính khoa học nào cả là… nấm mối do con mối sinh ra nên nó phải mọc gần ụ mối, nơi ổ mối sinh sống?! Gõ lên mạng thì khoa học vẫn chưa có câu giải thích thỏa đáng về sự ra đời của nấm mối, chỉ có vài dòng ngắn nói về nấm mối đại loại như nấm mối hình thành là do chất nhờn của con mối tạo thành…

Ngày càng hiếm…

Đang huyên thuyên với Cường thì bỗng phía trước mặt có ánh sáng phản chiếu khác thường, Cường vội chạy nhanh đến rồi reo lên phấn khích: “Mày đây rồi! Canh mày cả 10 ngày nay mới chịu mọc…”. Nét trẻ con của Cường cũng lây sang tôi, khi phía trước mặt là một đám nấm mối rộng chừng 2 m2, những nụ nấm có màu trắng sữa cao từ 5 – 20 cm và có những nụ nấm mới nhô lên khỏi mặt đất. Cường dặn tôi chỉ thu hoạch những nụ nhô lên cách mặt đất từ 2 cm trở lên, những nụ mới nhú chờ 1 giờ sau mới được thu hoạch. Những cây nấm mới nhú lên trên đầu mũ có 1 lớp phủ màu tro, nấm càng bung mũ càng lớn màu tro sẽ nhạt dần và chất lượng cũng giảm hơn khi dùng còn đương nụ. 2 chú cháu hái chừng được 1 kg, thì ngưng chờ hái đợt sau, Cường kể : “Cháu canh cái ụ mối này lâu rồi, năm kia ở chỗ này thu được gần 5 kg nhưng năm vừa rồi không có nụ nào nên cháu nghi ngờ năm nay sẽ có nấm mọc lại. Nhưng đợt này ít quá...”. Mùa này không chỉ dân Tánh Linh mà cả dân Đức Linh hay đi hái nấm ở các vườn vườn cao su cũng cảm nhận như vậy nên có bao nhiêu nấm mối dân “xài” hết bấy nhiêu. Nhớ lại những năm trước, người dân thu hoạch được nhiều nấm mối nên thương lái đánh cả xe máy lạnh ra rẫy chờ sẵn để gom hàng nấm mối. Có ngày, dân Gia Huynh, Lạc Tánh, Đông Hà, Trà Tân… vừa đi cạo mủ vừa hái nấm kiếm tiền triệu. Lúc ấy, giá nấm mối chỉ tầm 200.000 - 250.000 đồng/kg, còn năm nay nấm mối đầu mùa khan hàng nên đẩy giá tăng gấp 3 lần nhưng vẫn không có để mua. Cách đây 2 tuần, tôi đã điện thoại lên nhờ anh em ở Tánh Linh mua giúp vài kg để vừa ăn, vừa làm quà cho bạn bè ở Phan Thiết nhưng ai cũng lắc đầu than hàng hiếm. Gọi cho Công ty Phối Phối chuyên cung cấp đặc sản Tánh Linh thì được giải thích bên Đức Linh vùng cao su đất cát pha nên nấm mối mọc trước, mà đội ngũ thu mua mạnh quá nên họ gom hàng tại chỗ rồi chuyển đi nhanh vào thành phố Hồ Chí Minh. Còn khu vực Tánh Linh vùng đất sét nhiều, thời gian thấm nước lâu nên nấm mọc chậm hơn… Mới đầu mùa mưa dân hái nấm còn ít nên để dành ăn hoặc san sẻ cho người thân, không ai chịu bán.

Có 2 món ngon nổi tiếng ở Bình Thuận về nấm mối mà tôi được nhiều người bạn ở các tỉnh phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh lúc nào cũng đặt hàng khi vào mùa nấm mối là bánh xèo đổ nấm mối và nấm mối xào với mướp vừa có vị thơm, dai mềm, béo nhẹ và ngọt. 2 kg nấm tôi và Cường thu hoạch được sau khi làm sạch, rửa qua nước muối, ướp gia vị, nhồi vào con gà mái tơ đem hấp. Đây là món thượng đẳng của dân quê lẫn đại gia, phải nói là ngon tuyệt… Nấm mối có rất nhiều dinh dưỡng, đại dịch Covid-19 đang hoành hành, bên cạnh phòng dịch theo khuyến cáo 5K thì dinh dưỡng hàng ngày cũng đang được mọi người chú ý. Nấm mối là lựa chọn của nhiều người vì là thực phẩm tự nhiên có dinh dưỡng cao góp phần giúp cơ thể tăng sức đề kháng phòng chống dịch bệnh…

Theo y học cổ truyền, nấm mối giàu can xi, phốt pho, sắt, protein và các chất dinh dưỡng rất tốt cho việc bồi bổ sức khỏe, đặc biệt người mắc bệnh tiểu đường. Do có hàm lượng phốt pho cao nên có lợi cho người bệnh tật và người cao tuổi. Ăn nấm mối thường xuyên có thể cải thiện khả năng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư, chống lão hóa, giảm lượng đường trong máu…

Phóng sự: Hoàng Ngọc

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/canh-%E2%80%A6-nam-moi-len-138355.html