Khi người trẻ 'phải lòng' Xẩm

Hơn 5 năm qua, có một hiện tượng thú vị là nhiều người trẻ ở Hà Nội mê hát Xẩm. Và họ đang làm sống lại Xẩm theo những cách rất riêng.

Ca sĩ Hà Myo trong một tiết mục Xẩm. Ảnh: NVCC.

Ca sĩ Hà Myo trong một tiết mục Xẩm. Ảnh: NVCC.

Tâm nguyện “giữ Xẩm”

Với những người biết về Xẩm thì tên tuổi của nghệ nhân Hà Thị Cầu có thể nói là “như sấm bên tai”. Bất cứ ai đã được nghe, được nhìn nghệ nhân Hà Thị Cầu hát thì đều xúc động. Ngày 3/3/2013, bà Cầu mất khi ngoài 90 tuổi. Một người mà cuộc đời dù truân chuyên đến mấy thì vẫn cố giữ Xẩm. “Trời cao có thấu tình chăng/Đời người mấy lúc gian truân mà già”, câu Xẩm ấy có lẽ đã vận vào cuộc đời bà. Mãi tới những năm cuối đời, bà Cầu vẫn ao ước có người trẻ học hát Xẩm, để Xẩm không bao giờ biến mất.

Người ta từng gọi nghệ nhân Hà Thị Cầu là “báu vật nhân văn”, hay là “báu vật dân gian”, danh xưng gì cũng được, nhưng chốt lại bà vẫn là một huyền thoại về Xẩm. Mà đã là huyền thoại thì sẽ còn mãi.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật là Hà Thị Năm, sinh năm 1921, tại Ý Yên, Nam Định. 5 tuổi đã bén duyên với Xẩm, để rồi lưu lạc khắp nơi từ Bắc chí Nam. Bà nói, Xẩm nuôi sống bà, nuôi sống những người con của bà. Bà có thể hát hàng trăm bài Xẩm, không bài nào giống bài nào, thậm chí bà có thể ứng khẩu mà kéo nhị thành những bài hát, những câu thơ như một nghệ sĩ sáng tác. Tiếng nhị như cứa vào lòng người. Xẩm là cái nghiệp đã gắn bó với bà cho đến lúc nhắm mắt. Nghệ thuật hát Xẩm như hiện lên trong cuộc đời kỳ lạ của nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Những tưởng ước nguyện “giữ Xẩm” của bà bất thành, nhưng không, hôm nay đã có cháu con tiếp nối. Họ là nhiều người trẻ ở Hà Nội, bề ngoài có vẻ Âu hóa, nhưng trong trái tim lại vấn vít những âm thanh xưa.

Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu trong lần biểu diễn cuối cùng tại Hà Nội năm 2011. Ảnh: Hoàng Điệp.

Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu trong lần biểu diễn cuối cùng tại Hà Nội năm 2011. Ảnh: Hoàng Điệp.

Sự trở lại ngoạn mục

Tháng 12/2021, tại Hội thảo khoa học quốc tế về “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại” tổ chức tại Ninh Bình, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần thổi luồng sinh khí mới vào hát Xẩm. Nhưng làm thế nào để một loại hình nghệ thuật biểu diễn ra đời từ thế kỷ 13 hòa nhập được vào ngày hôm nay thì câu trả lời dường như bỏ ngỏ.

Có thể những hội thảo tương tự kể trên chưa đưa ra được cách nào để Xẩm tái sinh, nhưng chí ít cũng có tác dụng cảnh báo. Nhưng thực ra lúc bấy giờ đã có một số nhóm Xẩm trẻ hoạt động ở Hà Nội. Như một cách tự nhiên, họ đã trở thành mắt xích quan trọng trong sự kết nối.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có nên phá cách hát Xẩm truyền thống để tạo ra những sản phẩm của ngày hôm nay hay không? Khi ca sĩ Hà Myo ghép các thể loại Xẩm, Rap và EDM trong 2 nhạc phẩm “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm Xuân Xanh” thì lập tức nhận được rất nhiều ý kiến, cả khen lẫn chê. Phía chê, cho rằng Hà Myo không phải là phá cách mà là “phá” Xẩm. Phía khen thì bày tỏ tình cảm rất nồng nhiệt khi cho rằng Hà Myo đã làm sống lại Xẩm, có nét nào đó như thể là “truyền nhân hiện đại” của nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Năm 2023, MV “Xẩm Hà Nội” phiên bản 2 của Hà Myo và Thế Phương VBK trở thành một hiện tượng khi bất ngờ thu hút hơn 83.000 lượt xem chỉ trong 3 ngày. Cùng với ca từ thì sức hấp dẫn đến từ sự kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc truyền thống với rap và nhạc điện tử đã tạo nên giai điệu mới lạ.

Cũng còn phải kể đến bản rap “Rằm tháng 7” của một thí sinh khi tham gia một cuộc thi ca hát, tuy không hẳn đã thành công nhưng lại mang tính gợi mở. Để rồi lần lượt nhiều nhóm Xẩm trẻ ở Hà Nội rõ hơn con đường đi và tin vào con đường mình đi. Bằng cách thể hiện riêng của mình, họ đã gieo tình yêu Xẩm cho những người bạn cùng trang lứa, từ đó mà “phải lòng” Xẩm, rồi tìm học Xẩm, sáng tác Xẩm...

Tới nay, với giới trẻ Hà Nội, Xẩm đang có sự trở lại ngoạn mục thông qua các câu lạc bộ, nhóm Xẩm, hay là một số đĩa hát, MV. Xẩm có thể diễn dưới hình thức sân khấu nhưng nhiều bạn trẻ Hà Nội và người Hà Nội nói chung thích nghe Xẩm qua hình thức nhóm nhỏ, ở phố cổ, khu vực chợ Đồng Xuân hay là dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ hơn.

Càng mộc mạc càng tốt, càng gọn nhẹ uyển chuyển càng tốt, vì như vậy mới chính là Xẩm. Điều đó được chứng minh qua việc một quán trà ở phố nhỏ Chân Cầm bỗng trở nên thú vị khi có Xẩm, cả nam thanh nữ tú cùng các bậc cao niên quây quần bên một chiếu Xẩm.

Như vậy, Xẩm đã có truyền nhân, nhưng quan trọng là hướng đi và cách đi. Vui vì sự trở lại của Xẩm nhưng nhiều người cũng bày tỏ lo ngại sợ rằng loại hình nghệ thuật đặc biệt này cũng sẽ lại bị sân khấu hóa. Nếu vậy, mọi nỗ lực cũng sẽ mất ý nghĩa.

“Xẩm trong phố” là chương trình nằm trong chuỗi dự án “Di sản trong lòng phố” thuộc Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH), do nhóm các bạn trẻ đến từ câu lạc bộ Xẩm 48h thực hiện. Không dừng lại ở những buổi diễn “Xẩm trong phố” vào mỗi cuối tuần, Xẩm 48h còn tích cực đồng hành cùng VICH trong việc đưa nghệ thuật hát xẩm vào trường học, giới thiệu xẩm trong lễ hội thiết kế sáng tạo, thực hiện chương trình “Xẩm on the bus”…

An Nhiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-nguoi-tre-phai-long-xam-10284944.html