Theo Sina, đoàn làm phim và diễn viên có tâm sẽ theo đuổi việc diễn xuất chân thực, mang đến cho khán giả những cảnh quay giàu cảm xúc. Tuy nhiên, hiện nay một số ê-kíp và ngôi sao giỏi đóng cảnh giả hơn cảnh thật, diễn xuất lấy lệ. Trong phim Lam diễm đột kích, cảnh quay trong xe cứu hỏa bị nhận xét giống như quay trong hai khung cảnh khác nhau.
Theo Sina, đặc điểm của cảnh lái xe giả là đoàn phim không quay phần nóc xe, khung cảnh bên ngoài mờ ảo. Do các diễn viên tập trung diễn xuất, nên cách lái xe không chân thực. Nhiều người ngồi im, không có chuyển động thân thể.
Trong phim Chạy trời không khỏi nắng, nam diễn viên Vương Thiên Nguyên cũng mắc lỗi diễn xuất khi đóng cảnh lái xe. Động tác tay của anh bị đánh giá là thiếu chân thực.
Trong phim Nhất kiến khuynh tâm, khán giả nhận ra dù xe chạy, bánh xe không hề chuyển động. Theo Sina, vì chiếc xe thuộc kiểu dáng cổ, nên đoàn phim đã quay riêng biểu cảm của diễn viên và ghép phần trước xe vào.
Ngụy Đại Huân tham gia bộ phim Thanh xuân cảnh sự (2018) vào vai một cảnh sát thường xuyên có cảnh lái xe đi tra án hoặc đuổi theo tội phạm. Tuy nhiên, khi nhìn cách Ngụy Đại Huân lái xe khán giả có kinh nghiệm ngay lập tức nhận ra nam diễn viên chỉ làm cho có, vì tay của anh chỉ đảo qua đảo lại, nhiều khi không cần nhìn vào gương hay đường.
Một số khán giả bình luận họ bất ngờ khi thấy hậu trường cảnh lái xe. Để đảm bảo an toàn cho diễn viên và đạo cụ nên việc lái xe trong nhà hay được kéo đi có thể chấp nhận, tuy nhiên, diễn viên cần có những biểu cảm thực tế, phù hợp với hoàn cảnh để khán giả tin rằng họ đang thực sự cầm tay lái.
Ê-kíp quay phim sử dụng các biện pháp thô sơ như dùng dây thừng để kéo, tự tay nhấn cho xe rung lắc như đang đi trên đường. Hoặc một số đoàn phim sử dụng xe kéo.
Bộ phim Thành phố ánh sáng (Lưu quang chi thành) do Cảnh Điềm và Hứa Ngụy Châu diễn, có bối cảnh thời dân quốc. Do đó, cảnh hai diễn viên lái máy bay được thực hiện bằng kỹ xảo. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, đoàn phim sử dụng phông nền ghép cảnh. Do không xử lý khéo léo, cảnh quay lộ hiệu ứng giả, chất lượng kém giống như bối cảnh trong trò chơi.
Theo Sina, hiện tại, các cảnh phim Trung Quốc thiếu tính chân thực. Trong phim Một năm không có công việc, Địch Lộ Tử bế Lạt Mục Dương Tử tới bệnh viện. Đây vốn là cảnh quay lãng mạn, thúc đẩy sự phát triển tình cảm của hai nhân vật. Nhưng trong cảnh hậu trường, Địch Lộ Tử không thể gắng sức bế Lạt Mục Dương Tử mà phải có thang hỗ trợ.
Trong phim Mộng hồi Đại Thanh, nam diễn viên Tân Vân Lai chật vật vẫn không thể bế bổng Lý Lan Địch. Sau đó, đoàn làm phim phải đưa nhân viên tới hỗ trợ, thậm chí dùng thang để hoàn thành cảnh quay. Cảnh hậu trường sau đó gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội, khán giả cho rằng nam diễn viên quá yếu và đoàn phim thiếu tinh tế khi chia sẻ cảnh hậu trường khiến Lý Lan Địch bị chê cười về cân nặng.
Thậm chí, với những bạn diễn vốn có thể trạng nhỏ như Triệu Lệ Dĩnh, Lâm Canh Tân cũng không thể bế cô lên để thực hiện cảnh quay, mà cần sự hỗ trợ của chiếc bục để diễn cảnh "ôm giả".
Không chỉ lái xe giả, ôm giả, truyền hình Trung Quốc hiện tại còn xuất hiện cảnh hôn giả. Trong Tiểu thư quạ đen và tiên sinh thằn lằn, nam diễn viên Nhậm Gia Luân né tránh cảnh tình cảm bằng cách lướt nhẹ qua má bạn diễn Hình Phi thay vì hôn môi. "Nhậm Gia Luân luôn ăn gian góc quay khi thực hiện cảnh thân mật", Sina nhận định.
Trong Trường Ca hành, cảnh hôn của Địch Lệ Nhiệt Ba và Ngô Lỗi được thay bằng cảnh hai chú chim. Với dự án Ngự giao ký phần 2 có tên Đúng như cố nhân về, đạo diễn Chu Duệ Bân đã thay thế cảnh hôn của mỹ nhân Tân Cương và Nhậm Gia Luân bằng cảnh hôn bằng hai chú cá.
Trong phim Ngộ long, cảnh kỹ xảo của phim bị đánh giá quá giả. Dù đây là dự án thuộc thể loại tiên hiệp, song cách nhân vật của Vương Hạc Đệ biến mất làm khán giả khó chấp nhận. Đặc biệt là diễn xuất như người máy không biểu cảm của nam diễn viên.
Trong phim Hữu Phỉ, cảnh võ thuật cũng bị đánh giá là giả vì diễn viên thực hiện động tác không có lực. Phim được quay tại ngoài trời, song cảnh ngôi nhà và bối cảnh thiên nhiên thiếu chân thực.
Đồ Nam