Cận cảnh sâu róm tàn phá 2.000ha rừng thông ở Hà Tĩnh. Video: Phạm Trường
Hơn 1 tháng nay, tại khu vực rừng phòng hộ Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) xuất hiện dịch sâu róm gây hại trên cây thông. Đơn vị quản lý thống kê có khoảng 2.000 ha bị ảnh hưởng do sâu bệnh, trong đó nhiều phần diện tích cây thông đang cho khai thác nhựa.
Sâu róm tàn phá cây thông ở độ tuổi 3 đến 6, xuất hiện trên cây thông với mật độ 10-50 con/cây, có nơi 300-400 con/cây. Sâu có màu xám, thân phủ lông dẹt, dày, chứa độc tố gây ngứa, chóng mặt, buồn nôn.... Kích thước trung bình của con cái thường lớn hơn con đực. Chúng có chiều dài thân trung bình 30mm.
Sâu róm sinh trưởng, phát triển nhanh khiến nhiều phần diện tích ở các tiểu khu 95A, 96B, 103,123, 121, 122B và 124 bị vàng úa, trụi lá, nhiều cây bị chết.
Nhiều cây trụi lá, không thể phát triển và chết dần.
Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết, đây là đợt dịch sâu róm lớn nhất xảy ra trên khu vực rừng quản lý. Ngay khi phát hiện, ngành chức năng đã huy động người, máy móc và phun thuốc phòng trừ.
Đến thời điểm này, đơn vị đã phun phòng trừ trung bình 2-4 lần. Riêng những nơi có mật độ sâu 300-400 con/cây, phun thuốc 5-6 lần.
Nguyên nhân xuất hiện dịch sâu róm được xác định do độ ẩm lớn, kèm thời tiết mưa nắng thất thường. Sâu khi xuất hiện sẽ ăn lá, gây trụi lá.
Dịch sâu róm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng của rừng thông, giảm sản lượng nhựa.
Dự báo thời gian tới, diễn biến dịch sâu róm còn phức tạp. Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đang theo dõi và tiếp tục phun phòng trừ. Đơn vị quản lý cũng báo cáo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cùng đơn vị liên quan nắm bắt, hỗ trợ cung ứng thêm thuốc trừ sâu cùng trang thiết bị trong việc phòng trừ sâu róm gây hại.
Phạm Trường