Cảnh sắc An Giang mới lạ qua các đề cử thuộc Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022

Thông qua chương trình Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022, nhiều điểm du lịch tại An Giang đã được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị đề cử vào các hạng mục khác nhau. Cảnh sắc 'vùng Bảy Núi' tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú hiện lên yên bình và đầy tươi đẹp.

Rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên

Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư có các loại hình cảnh quan như: hệ sinh thái đất ngập nước; sinh cảnh rừng tràm ngập nước, sinh cảnh kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo; sinh cảnh đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa cùng các loài chim nước, thủy sản và động vật hoang dã vùng đất ngập nước…

Ảnh: Khương Nhựt Minh

Ảnh: Khương Nhựt Minh

Theo Cổng thông tin điện tử An Giang, rừng tràm Trà Sư là rừng đặc dụng, các loại hình du lịch sinh thái có thể thực hiện ở khu này gồm tham quan các sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước; giải trí, thư giãn trong môi trường rừng đẹp, yên bình, trong lành; khám phá các đặc trưng tiêu biểu của tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khoa học về rừng tràm và đất ngập nước và trải nghiệm các phong tục, tập quán, nét văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực của cộng đồng địa phương.

Ảnh: Khương Nhựt Minh

Ảnh: Khương Nhựt Minh

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, rừng tràm Trà Sư đã được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị đề cử vào hạng mục Top 7 điểm du lịch sinh thái năm 2022.

Cánh đồng lúa Văn Giáo, huyện Tịnh Biên

Là một trong những xã vùng sâu của huyện Tịnh Biên, Văn Giáo từ trước đến nay thu hút du khách bởi khu du lịch Rừng tràm Trà Sư. Tuy nhiên, ít người biết rằng, nơi đây còn mang vẻ đẹp ấn tượng vào mùa lúa chín hoặc khung cảnh thơ mộng vào bình minh.

Bình minh tại cánh đồng lúa Văn Giáo. Ảnh: Dương Việt Anh

Bình minh tại cánh đồng lúa Văn Giáo. Ảnh: Dương Việt Anh

Sáng sớm, nững người nông dân nơi đây đi ra ruộng trên con đường mòn chỉ đi bộ hoặc đi bằng xe đạp, xung quanh bao la đồng lúa cùng dáng đứng cao cao của hàng thốt nốt, xa xa là những ngọn núi trập trùng.

Không gian và khoảnh khắc ấy tạo ra một bức tranh thôn quê yên bình, mộc mạc và thân thương.

Khung cảnh thơ mộng và yên bình một sớm mai ở Văn Giáo, Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Dương Việt Anh

Khung cảnh thơ mộng và yên bình một sớm mai ở Văn Giáo, Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Dương Việt Anh

Với vẻ đẹp yên bình và thơ mộng, cánh đồng lúa tại xã Văn Giáo đã được đề cử vào Top 7 điểm du lịch có cảnh đẹp ấn tượng năm 2022.

Cánh đồng lúa Văn Giáo nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Việt Anh

Cánh đồng lúa Văn Giáo nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Việt Anh

Khu du lịch Lâm viên núi Cấm, huyện Tịnh Biên

Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nằm trong vùng Thất sơn hùng vĩ, được mệnh danh là nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là khu du lịch kết hợp giữa du lịch tâm linh ở An Giang, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.

Ảnh: Dương Việt Anh

Ảnh: Dương Việt Anh

Nhiệt độ trung bình trong ngày của Núi Cấm từ 20- 25 độ C, luôn mang đến cho du khách một không khí mát mẻ, trong lành.

Thiền viện Chùa Phật Lớn được xây dựng mới khang trang, rất đẹp và nhiều tượng phật rất to để cho người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. Bên phải là Chùa Vạn Linh tựa lưng vào vách núi.

Với góc nhìn từ trên cao, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng trọn vẹn khung cảnh Khu du lịch Lâm viên Núi Cấm đầy ấn tượng.

Cánh đồng lúa Tà Pạ, huyện Tri Tôn

Ảnh: Nguyễn Phong

Ảnh: Nguyễn Phong

Cánh đồng Tà Pạ cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn.

Hiển hiện trước mắt du khách là vẻ đẹp bất tận của đồng lúa trải dài, với màu xanh mướt của lúa khi còn non, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ bông, màu vàng tươi rạng rỡ của lúa sắp vào mùa gặt và màu vàng đậm trĩu hạt của cánh đồng khi vào mùa thu hoạch.

Ảnh: Phong Le

Ảnh: Phong Le

Sự trong lành, mát mẻ của không khí nơi đây, cùng với những hàng cây thốt nốt bao quanh cánh đồng, tất cả hòa quyện lại tạo nên một bức tranh đồng quê sinh động.

Nhìn từ trên cao, những ‘mảnh ghép’ ở Tà Pạ được tạo nên từ sắc xanh, vàng của lúa dần chuyển màu và cả những thửa ruộng đang được cày xới đầy ấn tượng.

Chùa Prey Veng, huyện Tri Tôn

Ảnh: Nhựt Long

Ảnh: Nhựt Long

Chùa Prey Veng tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, huyện Tri Tôn. Chùa còn có tên gọi khác là Trường Lâm Tự hay chùa Dưới, xuất phát từ cách gọi quen thuộc để phân biệt hai ngôi chùa của người dân địa phươn: Chùa Xvayton (chùa Xà Tón) là chùa Trên và chùa Pray Veng là chùa Dưới.

Ảnh: Nhựt Long

Ảnh: Nhựt Long

Nhìn từ ngoài vào, ngôi chùa có phần bình dị và không thu hút. Tuy nhiên, khi vào khuôn viên chùa, du khách sẽ bất ngờ bởi những tòa tháp màu vàng lộng lẫy, không thua kém những ngôi chùa tại Thái Lan hoặc Myanmar. Để có được bức hình ấn tượng, du khách có thể thuê trang phục truyền thống của người Khmer để chụp ảnh.

Thánh đường Hồi giáo Mubarak, huyện Châu Phú

Ảnh: Henry Dương

Ảnh: Henry Dương

Mang đặc trưng của kíen trúc Hồi giáo, thánh đường Mubarak tọa lạc tại xã Phú Hiệp, huyện Tân Phú luôn toát lên vẻ đẹp tinh tế và tráng lệ.

Nhìn từ xa, Mubarak giống như những đền thờ cổ Ba Tư, Ấn Độ. Từ ngoài cổng chính là những hình vòng cung, tiếp đến là khoảng sân rộng, tòa thánh đường bên trong. Bên trên là hai tầng tháp, nóc tháp hình bầu dục và biểu tượng trăng lưỡi liềm, ngôi sao.

Ảnh: Henry Dương

Ảnh: Henry Dương

Với nét kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc tôn giáo và văn hóa của người Chăm theo đạo Hồi, năm 1989 thánh đường Mubarak được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Thánh đường cũng được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị đề cử vào Top 7 công trình kiến trúc độc đáo năm 2022.

Nguyễn Phong

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/canh-sac-an-giang-moi-la-qua-cac-de-cu-thuoc-top-7-an-tuong-viet-nam-2022/