Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển (CSB) đã triển khai mô hình hiệu quả như 'Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân' nhằm giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân, nhất là trên các xã, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Cán bộ Vùng CSB 2 trao cờ Tổ quốc, phao cứu sinh tặng ngư dân Lý Sơn

Cán bộ Vùng CSB 2 trao cờ Tổ quốc, phao cứu sinh tặng ngư dân Lý Sơn

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy CSB Việt Nam cho biết: “CSB đồng hành với ngư dân là mô hình dân vận mới, được triển khai từ năm 2017, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ đặc thù của CSB.

Đến nay, mô hình này đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện sự quan tâm, trợ lực, đồng hành của lực lượng CSB với ngư dân, hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản và vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, hỗ trợ ngư dân khi bị tàu lạ tấn công hoặc đi lạc khỏi lãnh hải Việt Nam, đồng thời là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển”.

Lực lượng CSB hoạt động trên địa bàn rộng, ở môi trường biển, đảo phức tạp, nhiệm vụ rất nặng nề, yêu cầu đòi hỏi cao, với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, hoạt động của các loại tội phạm trên Biển Đông có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, cường độ, tính chất.

Để hoàn thành tốt vai trò chuyên trách là lực lượng nòng cốt trong thực thi pháp luật trên biển, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ, CSB Việt Nam đã chú trọng phát huy chức năng “đội quân công tác”, tích cực làm công tác dân vận, nhằm xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc trên biển, đảo của Tổ quốc. Trong đó, việc triển khai thực hiện mô hình “CSB đồng hành cùng ngư dân” là một điểm sáng nổi bật.

Bộ Tư lệnh (BTL) CSB đã xây dựng và triển khai mô hình công tác dân vận “CSB đồng hành cùng ngư dân” tại các xã, huyện đảo xa đất liền; lấy đầu mối hải đội CSB kết nghĩa với một xã, huyện đảo để tổ chức phối hợp các hoạt động triển khai thực hiện Mô hình.

Mục tiêu của Mô hình là tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng các xã, huyện đảo vững mạnh; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật và phối hợp với lực lượng CSB trong bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên biển, đảo.

Đây là nội dung đột phá, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị cao, sự sáng tạo của BTL CSB trong việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 49-NQ/QUTW, ngày 26/10/2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”.

Mặc dù thời gian thực hiện mô hình công tác dân vận “CSB đồng hành cùng ngư dân” chưa dài, nhưng những kết quả bước đầu đạt được và hiệu ứng lan tỏa của nó một lần nữa khẳng định việc triển khai thực hiện Mô hình là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của BTL CSB trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ, môi trường hoạt động và yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Mới đây, từ ngày 15 - 17/5, BTL Vùng CSB 2 đã tổ chức chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” năm 2019 tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nhằm góp phần tăng cường hơn nữa tình đoàn kết quân dân, cùng chia sẻ, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, gìn giữ chủ quyền Tổ quốc.

Trong 3 ngày, đoàn công tác của đơn vị đã phối hợp cùng các đơn vị đồng hành và cấp ủy, chính quyền huyện đảo Lý Sơn tổ chức nhiều hoạt động như như: Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện đảo Lý Sơn, thắp hương đài tưởng niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải; tuyên truyền biển, đảo và Luật CSB năm 2018; giao lưu văn nghệ “Hướng về biển, đảo quê hương”; tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”…

Đoàn công tác cũng đã thăm, tặng quà 14 gia đình người có công, gia đình đồng bào tôn giáo; tặng 450 cờ Tổ quốc, 114 téc đựng nước, 16 suất quà cho ngư dân; trao 20 xe đạp, 30 suất học bổng tặng học sinh nghèo… với tổng số tiền hơn 352 triệu đồng.

Đại tá Lê Huy Sinh - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng CSB 2 cho biết: “Nhiệm vụ chính của chương trình “SCB đồng hành với ngư dân” là tuyên truyền cho ngư dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân các xã ven biển, các đảo.

Trong việc khai thác hải sản phải gắn bó với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tuyên truyền cho ngư dân trước mỗi chuyến ngư dân ra khơi, ngay cả khi ngư dân đang khai thác hải sản ở các vùng biển miền Trung. Cùng từ đó, ngư dân nhanh chóng thông báo cho lực lượng CSB và các cơ quan chức năng khi tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Tổ quốc để có biện pháp xử lý và xua đuổi kịp thời.

Về lực lượng CSB, trách nhiệm quan trọng là cứu hộ kịp thời, cứu nạn bảo đảm an toàn cho ngư dân. Chúng tôi xác định, đồng hành cùng ngư dân là một cuộc hành trình có khởi đầu mà không có kết thúc, đó là nhiệm vụ, sứ mệnh vẻ vang mà chúng tôi, những CSB đã, đang và sẽ gánh vác”.

Theo báo cáo của BTL CSB, đến cuối năm 2017, lực lượng CSB đã phối hợp với các địa phương triển khai thành công mô hình “CSB đồng hành cùng ngư dân” tại 03 huyện đảo (Bạch Long Vĩ; Lý Sơn; Phú Quý) và 05 xã đảo (Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị; Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; Thổ Chu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Gạch Gốc, huyện đảo Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Trước tình hình hoạt động làm ăn của ngư dân trên biển xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo được xác định là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai Mô hình.

L.H

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/canh-sat-bien-dong-hanh-cung-ngu-dan-453338.html