Cảnh sát biển truy bắt nhiều tàu buôn lậu xăng dầu

Lợi dụng giá xăng dầu tăng cao, các đối tượng buôn lậu gia tăng hoạt động, nhất là trên biển.

Trước những biến động về giá xăng dầu trong nước và khu vực, hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển cũng nóng lên. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức nhằm trục lợi bất chính.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, bắt giữ nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Buôn lậu xăng dầu vẫn chưa hạ nhiệt

Theo đánh giá của Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, tình hình thế giới bất ổn trong thời gian qua đã khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao. Ở trong nước, thị trường xăng dầu cũng chịu sự tác động mạnh, nguồn cung có thời điểm khan hiếm. Trong khi nhu cầu sử dụng xăng dầu rất lớn do các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19 dẫn đến mất cân đối cung cầu xăng dầu.

Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng buôn lậu xăng dầu gia tăng hoạt động, nhất là trên biển.

Lực lượng Cảnh sát biển niêm phong tàu buôn lậu xăng dầu trên biển vào ngày 5-6. Ảnh: CTV

Lực lượng Cảnh sát biển niêm phong tàu buôn lậu xăng dầu trên biển vào ngày 5-6. Ảnh: CTV

Điển hình, vào ngày 5-6, tại khu vực vùng biển tây nam, tổ công tác của tàu CSB 4035 phối hợp với tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 phát hiện hai tàu cá mang số hiệu TG 93979 TS và TG 92267 TS vận chuyển xăng dầu nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu TG 93979 TS có năm thuyền viên, do ông Trương Văn Phong (sinh năm 1969, trú TP Mỹ Tho, Tiền Giang) làm thuyền trưởng, chủ tàu là ông Đỗ Hoàng Phong (trú TP Mỹ Tho).

Tàu TG 92267 TS có bốn thuyền viên, do ông Võ Văn Hoàng (sinh năm 1966, trú thị xã Gò Công Đông, Tiền Giang) làm thuyền trưởng, chủ tàu là ông Đỗ Hoàng Lý (trú TP Mỹ Tho).

Theo lời khai của hai thuyền trưởng, tàu TG 93979 TS đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO, tàu TG 92267 TS vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO. Toàn bộ số dầu trên hai tàu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Trước đó, vào ngày 25-4, trên khu vực biển phía đông nam Côn Đảo, lực lượng CSB đã phát hiện tàu không số hiệu đang vận chuyển khoảng 150.000 lít dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được các giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.

Trong khi đó, tại vùng biển đông bắc, hoạt động buôn lậu xăng dầu có phần giảm nhiệt, các đối tượng hoạt động khép kín theo sự chỉ đạo của chủ đường dây xăng dầu lậu.

Điều đặc biệt, các chủ đường dây này thường không trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ gián tiếp thông qua thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu.

Tàu cá vận chuyển xăng dầu trái phép bị lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ ngày 5-6. Ảnh: CTV

Tàu cá vận chuyển xăng dầu trái phép bị lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ ngày 5-6. Ảnh: CTV

Kiên quyết đấu tranh, bắt giữ tội phạm

Thượng tá Vũ Trọng Quỳnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 38 Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết: Đơn vị quản lý vùng biển đông bắc rộng lớn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, lại có nhiều hòn đảo lớn nhỏ nên các đối tượng buôn lậu xăng dầu tìm mọi cách hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi.

“Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả, đơn vị đã tăng cường quân số, tuần tra, kiểm soát trên biển, kiên quyết đấu tranh triệt để với hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển.

Kết quả, từ đầu năm 2022 đến ngày 30-5, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 10 vụ/22 tàu/107 đối tượng vi phạm pháp luật trên biển, trong đó đấu tranh thành công hai vụ vận chuyển 52.000 lít dầu. Lực lượng chức năng thu giữ tổng giá trị hàng hóa trên 2 tỉ đồng” - Thượng tá Quỳnh thông tin.

Kể về quá trình triệt phá xăng dầu lậu trên biển, một trinh sát của Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 chia sẻ thêm: “Đó là những ngày các trinh sát đeo bám hàng tháng trên biển, khi thông tin về các chuyến tàu vi phạm đang còn ở vùng biển nước ngoài. Nhưng để bắt được quả tang là chuyện không dễ, trên bờ đã khó, ngoài biển mênh mông sóng nước chúng tôi lại càng gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, khi thời khắc quyết định phải nhanh chóng cập mạn, lên được tàu, bắt được quả tang thì các đối tượng mới chịu bó tay. Các đối tượng cũng rất manh động”.

Đánh giá về thủ đoạn buôn lậu xăng dầu trên các vùng biển, Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh pháp luật Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam, cho hay: Những kẻ buôn lậu xăng dầu sử dụng thủ đoạn quay vòng hóa đơn, lợi dụng thời tiết xấu, dùng phương tiện hiện đại có công suất lớn, hoạt động thường xuyên ở vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực (chủ yếu là Thái Lan và Campuchia).

“Các đối tượng móc nối với các đối tượng người nước ngoài, thu mua xăng dầu với giá rẻ hơn để hưởng chênh lệch. Sau đó, họ sử dụng các tàu núp dưới danh nghĩa tàu đánh cá để giao nhận xăng dầu ngay trên biển. Tinh vi hơn, đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp đi trên tàu mà đứng sau điều hành với nhiều hành vi xảo quyệt để qua mắt lực lượng chức năng” - Đại tá Kiên chia sẻ.

Bắt giữ 21 tàu, 93 đối tượng

Từ đầu năm đến ngày 10-6, các đơn vị thuộc CSB Việt Nam đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý 21 vụ/21 tàu/93 đối tượng hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các vùng biển. Tang vật thu giữ trên 1,7 triệu lít dầu DO, 97.300 lít xăng và 82.251 kg dầu FO.

LÊ ĐỒNG - QUANG LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-sat-bien-truy-bat-nhieu-tau-buon-lau-xang-dau-post688634.html