Cảnh sát Biển Việt Nam tham gia, làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Biển - Đảo
Kể từ ngày chính thức được thành lập, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, phát triển, phát huy được vai trò là một trong những lực lượng chính để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển...
Kể từ ngày chính thức được thành lập (28/8/1998) theo Quyết định số 1069/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, phát triển, phát huy được vai trò là một trong những lực lượng chính để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, tham gia, đóng góp phát triển kinh tế biển của đất nước.
Ngày 28/3/1998, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Ngày 28/8/1998, Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập trên cơ sở Quyết định số 1069/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sự ra đời của Cảnh sát biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, bảo đảm phát triển kinh tế biển Việt Nam bằng pháp luật, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế trong tình hình mới.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 1 diễn tập CB-18.
Từ những ngày đầu được thành lập, các cơ quan chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam được giao chủ trì biên soạn, xây dựng hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ Quốc phòng, liên Bộ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo thẩm quyền như: Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998; Nghị định số 53/1998/NĐ-CP ngày 21/7/1998 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008; Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 96/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ; Nghị định số 13/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ sửa đổi Điều 9 Nghị định số 86/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Cảnh sát Biển Việt Nam cũng đã tham gia cùng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Quốc phòng, tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ cho tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn, bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.
Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cảnh sát Biển Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm, đóng mới tàu thuyền, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Từ vị trí là một cấp trực thuộc Quân chủng Hải quân với hai Vùng Cảnh sát Biển, quân số, trang bị còn hạn chế, trải qua các giai đoạn phát triển đến nay, Cục Cảnh sát Biển đã được tổ chức lại thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, cơ cấu tổ chức có các cơ quan trực thuộc và 04 Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển, 04 Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy, 02 Đoàn Trinh sát và Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát Biển.
Cảnh sát Biển Việt Nam hiện nay không những đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn các vùng biển, đảo của Tổ quốc mà còn đủ khả năng tuần tra, kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và hợp tác tìm kiếm cứu nạn ở những vùng biển xa bờ trên 200 hải lý một cách kịp thời, hiệu quả.
Trong hợp tác quốc tế, Cảnh sát Biển Việt Nam đã xây dựng quan hệ song phương, đa phương và thiết lập đường dây nóng với lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia trong khu vực và trên thế giới; kiên quyết, dũng cảm trong đấu tranh, truy bắt các nhóm cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, góp phần tạo nên hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn hàng hải và đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống…
Biên đội tàu Cảnh sát Biển trên đường tuần tra.
Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, Cảnh sát Biển Việt Nam đã điều tra, xác minh, xử lý hàng trăm vụ buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, cùng lực lượng chức năng giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật nhằm duy trì an ninh trật tự, an toàn trên biển.
Với tinh thần tích cực chủ động, không quản hiểm nguy, sẵn sàng vượt qua sóng to, bão lớn, tàu thuyền của Cảnh sát Biển Việt Nam đã thực hiện thành công hàng trăm vụ cứu dân, cứu tài sản của ngư dân bị nạn nơi biển xa. Cảnh sát Biển Việt Nam luôn xác định, đồng hành với ngư dân, tìm kiếm, cứu nạn trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là “mệnh lệnh trái tim”, góp phần xây dựng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam bền bỉ, gần gũi, không ngại khó khăn, gian khổ phục vụ nhân dân. Sự hiện diện của Cảnh sát Biển Việt Nam trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa đã trở thành niềm tin, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển.
Cảnh sát Biển Việt Nam được Đảng, Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2015); 01 Huân chương Chiến công hạng Nhất (2013); 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2014); 01 Huân chương Quân công hạng Ba (2018).