Cảnh sát biển Việt Nam từng bước chính quy hiện đại

Những hải trình dài ngày vượt qua sóng to gió lớn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đã khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam đang từng bước vươn lên chính quy, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc.

Từ ngày 16 đến 31/12/2024, Tàu Cảnh sát biển 8005 Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã có chuyến thăm, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ. Sau chuyến đi này, ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, Tàu Cảnh sát biển 8005 đã tiếp tục có một hải trình tại khu vực biển Tây Nam giáp ranh Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Những hải trình dài ngày vượt qua sóng to gió lớn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đã khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam đang từng bước vươn lên chính quy, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc.

Để đến được Ấn Độ, thủy thủ đoàn Tàu Cảnh sát biển 8005 đã phải vượt hơn 2.700 hải lý trong điều kiện thời tiết phức tạp. Sau 12 ngày, đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam cập cảng tại thành phố Kochi theo đúng kế hoạch.

Tàu Cảnh sát biển 8005 do Tổng Công ty Sông Thu, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đóng mới, có chiều dài 90 mét, công suất gần 9.000 CV và chịu đựng được sóng lên tới cấp 9. Trong hải trình đến Ấn Độ, Tàu 8005 đi qua nhiều vùng biển phức tạp có lưu lượng tàu thuyền lớn nhất thế giới. Qua đó đem lại những kinh nghiệm thực tiễn quý báu đối với thủy thủ đoàn.

Tàu Cảnh sát biển 8005

Tàu Cảnh sát biển 8005

Thượng úy Nguyễn Quốc Thái, Phó thuyền trưởng Tàu Cảnh sát biển 8005, cho biết về những khó khăn trong hải trình sang Ấn Độ: "Hành trình qua eo biển Singapore và eo biển Malacca rất phức tạp nổi tiếng về cướp biển và luồng Singapore cũng là lớn của quốc tế là cầu nối Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương nên lưu lượng lớn. Khi qua đó phải do điều phối của cảng vụ Singapore, lúc nào cũng phải theo dõi tránh va liên tục".

Chương trình thăm, giao lưu, làm việc của Cảnh sát biển Việt Nam tại thành phố Kochi diễn ra với nhiều hoạt động, tham quan Trung tâm cứu hộ, cứu nạn, Trung tâm huấn luyện của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ. Cùng với đó là giao lưu thể thao, tham quan văn hóa, phối hợp luyện tập chung về tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy nổ và ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

Trung úy Dương Khánh Hòa, chiến sỹ trẻ trên Tàu Cảnh sát biển 8005 bày tỏ: "Qua chuyến hải trình này, tôi học tập được rất nhiều về chuyên môn như cách thức giao tiếp liên lạc với các tàu trên biển để có thể tránh va, điều động tàu hợp lý có một hải trình an toàn để cấp bến tới Ấn Độ.

Là người phụ trách công tác hậu cần kỹ thuật cho đoàn công tác, Trung tá Nguyễn Tất Hùng Phó chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật Vùng cảnh sát biển 3, chia sẻ: "Ấn Độ có rất nhiều phong tục tập quán đặc trưng. Khi sang đó, có những bữa tiệc đứng chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ về phong tục xem món gì họ kiêng không ăn, món gì họ và mình đều dùng được. Trên cơ sở đó chúng tôi xây dựng thực đơn đảm bảo được nét văn hóa của cả nước Việt Nam và Ấn Độ.

Suốt hải trình gần 6.000 hải lý, mặc dù điều kiện thời tiết phức tạp nhưng đoàn công tác đã duy trì nghiêm nền nếp chính quy, tổ chức thực hiện các nội dung giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ theo đúng thời gian và kế hoạch đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị kỹ thuật.

Về những bài học kinh nghiệm trong chuyến giao lưu này, Đại úy Nguyễn Văn Công, Phó thuyển trưởng Tàu Cảnh sát biển 8005, cho hay: "Đối với lực lượng bảo vệ bờ biển của Ấn Độ, các quy tắc và chấp hành kỷ luật của họ rất nghiêm, luôn chấp hành các quy định, Luật biển quốc tế. Chỉ huy chung của Ấn Độ luôn thực hiện nghiêm chỉ huy chung, các bảng bố trí chiến đấu trên tàu".

Đứng mũi chịu sào chỉ huy Tàu 8005 suốt hành trình dài gần 6.000 hải lý an toàn “đi đến nơi về đến chốn” Đại úy Trần Hữu Ngọc, Thuyền trưởng Tàu Cảnh sát biển 8005, cho biết: "Bản thân tôi rút ra rất nhiều kinh nghiệm khi qua các vùng biển quốc tế vì cơ bản tàu Cảnh sát biển hoạt động ở vùng biển Việt Nam. Qua những lần giao lưu nước ngoài học được nhiều kinh nghiệm khi qua luồng tuyến, vào cảng nước ngoài, đưa đón hoa tiêu".

Chuyến thăm, giao lưu lần này đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam về một đất nước Ấn Độ mến khách và giàu truyền thống văn hóa. Đây là cơ hội quý báu để hai bên tăng cường hiểu biết, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nâng cao năng lực thực thi pháp luật và khả năng phối hợp xử lý các tình huống khẩn cấp trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên các vùng biển trong khu vực.

Đại tá Bùi Đại Hải, Phó Chủ nhiệm chính trị Cảnh sát biển Việt Nam, nêu rõ: "Hoạt động đối ngoại của Cảnh sát biển Việt Nam rất quan trọng, nhằm xây dựng mối đoàn kết, niềm tin giữa Cảnh sát biển Việt Nam và các nước trong khu vực. Đây là hoạt động chúng tôi đánh giá trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và tăng thêm sức mạnh kinh tế xã hội trong đó có quốc phòng nói riêng".

Hoạt động Cảnh sát biển Việt Nam đi thăm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ không chỉ mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, mà còn góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường hợp tác, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ. Qua đó từng bước đưa Cảnh sát biển Việt Nam đi lên chính quy, hiện đại.

Mạnh Phương/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/canh-sat-bien-viet-nam-tung-buoc-chinh-quy-hien-dai-post1150669.vov