Tổng Bí thư Tô Lâm: Trung ương sẽ quyết định nhiều vấn đề đặc biệt hệ trọng
Đánh giá việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là vấn đề đặc biệt hệ trọng, mang tính cách mạng cao, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến để tạo sự đồng thuận.
Chiều 23-1, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ Trung ương sẽ thảo luận cho ý kiến với năm nội dung, trong đó có ba nhóm vấn đề quan trọng. Chính vì vậy, dù Tết Nguyên đán đã cận kề song vì các công việc đặc biệt quan trọng của Đảng cần phải triển khai ngay, Bộ Chính trị đã quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương vào thời điểm này.
Việc tinh gọn bộ máy được cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ
Phát biểu gợi mở một số vấn đề để Trung ương nghiên cứu, thảo luận và quyết định tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đầu tiên tới nhóm vấn đề tổng kết Nghị quyết 18. Theo Tổng Bí thư, đây là nội dung trọng tâm nhất của Hội nghị Trung ương lần này.
Thực hiện kết luận của Trung ương tại hội nghị ngày 25-11-2024, trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết 18 từ năm 2017 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt khẩn trương triển khai tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy mới trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” với những bước đi lộ trình thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo đúng điều lệ của Đảng, quy định, nguyên tắc định hướng chỉ đạo của Trung ương.
“Chỉ trong hai tháng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 21 kết luận, quyết định; Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 cũng đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai hoạt động liên quan đến tổng kết nghị quyết này” - Tổng Bí thư nói và đánh giá các cơ quan, ban Đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội Trung ương đều đã đi đầu nêu gương, khẩn trương triển khai rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ sắp xếp đầu mối bên trong theo định hướng.
Chính phủ cũng đã khẩn trương ban hành các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đã góp phần giải tỏa tâm tư, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp.
Các địa phương cũng tích cực, chủ động triển khai việc thực hiện, tổng kết, nghiên cứu, đề xuất phương án tinh gọn, kết thúc hoạt động sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đồng bộ theo chỉ đạo của Trung ương.
“Việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ đánh giá rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân” - Tổng Bí thư nói.
Trong bối cảnh tình hình mới rất khẩn trương, cần sự đột phá, sự quyết đoán, quyết liệt, sự đoàn kết thống nhất từ khâu đề xuất chính sách tới việc triển khai thực hiện.
Đề xuất phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện
Tổng Bí thư khẳng định quá trình thực hiện, những nội dung thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được thực hiện ngay theo đúng tinh thần “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện và cấp huyện cũng không chờ cơ sở”. Cụ thể, ngày 30-12-2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của 3 ban Đảng, 4 đơn vị sự nghiệp của Đảng và 6 tổ chức chính trị xã hội. “Nhìn tổng thể, cho đến nay, nhiều phần việc đã vượt tiến độ đề ra và bảo đảm đúng định hướng của Trung ương chỉ đạo” - Tổng Bí thư nói.
Ông đánh giá sở dĩ các công việc được triển khai thuận lợi, nhanh là vì đã biết kế thừa các kết quả công tác sắp xếp bộ máy tổ chức đã được triển khai từ nhiều nhiệm kỳ trước. “Nhiều vấn đề thực tiễn về bộ máy đã được đánh giá và thấy được sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, Trung ương đặt vấn đề tổng kết đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao trong Đảng, trong nhân dân, bởi đó là những vấn đề đã chín, đã rõ. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị trình Trung ương cho ý kiến vào báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án bố trí, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị với nhiều nội dung mang tính cải cách mạnh mẽ như giảm đầu mối, xóa bỏ trung gian trong các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đề xuất phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện trong hệ thống Công an nhân dân.
“Đây là những vấn đề đặc biệt hệ trọng, mang tính cách mạng cao, đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, đánh giá cho ý kiến để tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong tổ chức thực hiện” - theo Tổng Bí thư.
Giải pháp để gỡ các điểm nghẽn
Về nhóm các vấn đề kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư cho hay từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng để tạo nền tảng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường hoàn thiện hạ tầng nhân lực, nhất là những vấn đề mới được thúc đẩy tăng trưởng.
Dẫn chứng, Tổng Bí thư nhắc tới triển khai dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị, xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM, Đà Nẵng… Bên cạnh đó là việc chỉ đạo các giải pháp để đột phá phát triển về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, coi đây là những động lực quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước nhanh và bền vững...
Theo Tổng Bí thư, đây là cơ sở để chúng ta có thể đặt mục tiêu phát triển cao hơn, cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên và tạo đà để tăng trưởng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
“Nếu không phấn đấu các mục tiêu nêu trên thì nhiều khả năng chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025, không thể thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể thực hiện được hai mục tiêu 100 năm đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra” - Tổng Bí thư nói thêm.
Ông đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề này, đặc biệt là những giải pháp làm thế nào tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tranh thủ được cơ hội phát huy tối đa được tiềm năng, lợi thế, các dư địa để phát triển nhanh và bền vững đất nước…
“Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Giang và nhiều tỉnh đã có mức tăng trưởng hai con số trong năm 2024, phải giữ vững và tiếp tục tăng trưởng hơn nữa để tạo động lực cho địa phương khác cùng vươn lên” - Tổng Bí thư lưu ý.
Người đứng đầu Đảng cho hay tại hội nghị cũng sẽ đánh giá, kiểm điểm sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024 và báo cáo công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025.
Đây là những việc cần Trung ương cho ý kiến, đặc biệt là nội dung liên quan đến sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. “Những phần làm được hay những ưu điểm thì chỉ cần các đồng chí ghi nhận. Chúng tôi rất cần các đồng chí tập trung cho ý kiến về phần chưa được, những tồn tại, những nội dung cần phải sửa chữa, điều chỉnh cần triển khai thực hiện đối với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thậm chí đối với từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư” - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cho rằng trong bối cảnh tình hình mới rất khẩn trương, cần sự đột phá, sự quyết đoán, quyết liệt, sự đoàn kết thống nhất từ khâu đề xuất chính sách tới việc triển khai thực hiện. Do đó, ông đề nghị các ủy viên Trung ương, các đại biểu về dự hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kiện toàn Ủy ban Kiểm tra
Chiều tối 23-1, Văn phòng Trung ương Đảng phát đi thông cáo cho hay Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thực hiện một số nội dung về công tác cán bộ.
Trong đó, thống nhất để ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thôi giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tập trung thực hiện nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư.
Trung ương cũng bầu bổ sung ba ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, gồm các ông: Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, bầu ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương cũng bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; bầu ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Ngoài ra, Trung ương đồng ý để ông Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, thôi giữ chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.