Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Yên Bái: Học Bác để phục vụ nhân dân tốt hơn
Đã gần 80 năm trôi qua, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân năm 1948 vẫn giữ nguyên giá trị, là 'kim chỉ nam' cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói chung và lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ), Công an tỉnh Yên Bái nói riêng.
Những năm qua, việc học tập, thực hiện "Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” được Đảng ủy Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) gắn chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đây là một phần không thể tách rời trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) có đức, có tài, tiên phong, gương mẫu, liêm chính, trách nhiệm, thật sự vì Đảng, vì dân như lời Bác Hồ dạy: "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo".
Đã gần 80 năm trôi qua, những lời dạy của Bác năm ấy vẫn giữ nguyên giá trị, là "kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói chung và lực lượng CSCĐ Công an tỉnh Yên Bái nói riêng. Hàng năm, nội dung này đều được Đảng ủy Phòng CSCĐ Công an tỉnh xây dựng, ban hành các kế hoạch về việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền gắn với việc thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo đó, đơn vị đặc biệt coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, kỷ luật và việc chấp hành Điều lệnh CAND; kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân.
Hàng năm, 100% đảng viên, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đều ký cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Đơn vị còn xây dựng các kế hoạch, chương trình công tác cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm công tác gắn với việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, rút kinh nghiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các nội dung, chương trình, kế hoạch đề ra… Để từ đó mỗi CBCS đều thấm nhuần, giữ gìn phẩm chất đạo đức, có lối sống giản dị, lành mạnh, đoàn kết, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, phục vụ nhân dân.
Với tinh thần ấy, những năm qua, CBCS lực lượng CSCĐ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, tích cực luyện tập các kỹ năng, chiến thuật, võ thuật, thực hành các phương án tác chiến, phương án phòng thủ khu vực, phòng chống khủng bố trên tất cả các loại địa hình từ đồi núi đến sông nước, từ thành thị đến nông thôn, sẵn sàng chủ động xử lý mọi tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra. Trung bình mỗi năm, đơn vị huy động trên 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhờ đó đã phát hiện ra nhiều vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, trộm cắp, cướp giật tài sản… đem lại niềm tin trong nhân dân.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, CBCS đều chấp hành đúng quy trình, quy định của pháp luật, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Mỗi khi trên địa bàn tỉnh có sự kiện quan trọng diễn ra, CSCĐ cũng luôn có mặt cùng các lực lượng khác làm tốt nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, bảo vệ tuyệt an toàn các mục tiêu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm và làm việc tại tỉnh và cả nhân dân khi tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội vào các ngày lễ, tết với tinh thần "gác cho dân vui chơi, thức cho dân ngủ ngon”.
Các mục tiêu do Phòng CSCĐ đảm nhận luôn bố trí lực lượng vũ trang canh gác 24/24, bảo vệ mục tiêu tuyệt đối an toàn. Tại đây, CBCS còn chủ động xây dựng 2 mô hình "Vọng gác thanh niên làm theo lời Bác” và "Lực lượng Cảnh sát bảo vệ mục tiêu khéo phối hợp với các lực lượng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao chất lượng tiếp nhận, hướng dẫn công dân đến đưa đơn thư khiếu nại, tố cáo” đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng nếp sống văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử.
Đại úy Phạm Đình Đức - Trung đội trưởng, Đại đội Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu, Phòng CSCĐ chia sẻ: "Tôi cho rằng, đã là người chiến sỹ CAND thì ở mọi lúc, mọi nơi cần nỗ lực xây dựng và củng cố hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ công an gần dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân. Bởi vậy, chúng tôi luôn rèn luyện văn hóa người CAND, có tư thế, lễ tiết, tác phong, thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, không để người dân kêu ca, phàn nàn, không có đơn thư phản ánh về thái độ của CBCS khi thi hành công vụ và tiếp xúc với nhân dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng cần hướng dẫn giải thích cặn kẽ những vấn đề mà nhân dân chưa rõ, lắng nghe, trân trọng những ý kiến mà nhân dân đóng góp để khắc phục, sửa chữa”.
Đặc biệt, hàng năm, lực lượng CSCĐ đã tổ chức các đợt hành quân dã ngoại, lao động giúp dân và các hoạt động xã hội tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa. Mới đây nhất là trong đợt bão lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi, Phòng CSCĐ đã cử trên 800 lượt CBCS chia thành các tổ trực tiếp đến các địa bàn bị ngập lụt, sạt lở tham gia công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão. Mặc dù, có những cán bộ, chiến sĩ nhà cũng bị ngập lụt, bị sạt lở nhưng các anh vẫn dành hết tâm sức để lo cho dân, coi tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
Đại úy Đào Mạnh Cường - Phó Đại đội trưởng, Đại đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Phòng Cảnh sát cơ động chia sẻ: "Trong thời gian mưa lũ, chúng tôi đã có mặt tại tất cả các địa điểm ngập lụt phối hợp cùng với các lực lượng khác tập trung giúp dân sơ tán, hỗ trợ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, theo phương châm nước rút đến đâu, xử lý đến đó”.
Chẳng quản ngại ngày đêm, hiểm nguy, các chiến sỹ CSCĐ đã lao vào dòng nước lũ để bảo vệ tính mạng cho nhân dân; thực hiện hàng nghìn lượt di dời tài sản giá trị cho nhân dân; hàng trăm lần vận chuyển đồ cứu trợ đến tay người dân vùng cô lập... Khi nước rút, họ lại tiếp hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất và vệ sinh môi trường, dọn dẹp, vệ sinh tại các trụ sở cơ quan nhà nước, nhất là các trường học để học sinh đến trường sớm và an toàn nhất…
Mỗi chuyến đi tới gần dân, không chỉ đơn thuần là thực hiện những ngày công lao động hay tặng quà mà ở đó, các chiến sĩ CSCĐ còn vừa thực hiện công tác dân vận, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ gìn ANTT ở cơ sở, vừa nâng cao trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng xã hội. Từ đó, đã thực sự tạo mối quan hệ gắn bó, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân.
Có thể thấy, từ việc học tập nghiêm túc các nội dung, chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đến việc "làm theo" đã phát huy hiệu quả, góp phần để Phòng CSCĐ luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đã đạt được, 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã có 2 tập thể, 13 cá nhân được các cấp biểu dương, khen thưởng.
Đại tá Nguyễn Đức Vỹ - Bí thư Đảng bộ cơ sở, Trưởng phòng CSCĐ cho biết: "Để tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, trong thời gian tới, lực lượng CSCĐ sẽ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS, đề cao tính tổ chức kỷ luật trong công tác sinh hoạt, thực hiện nghiêm túc các quy định về xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND. Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án bảo vệ, thường xuyên luyện tập và thực hành thuần thục các phương án tác chiến, giải quyết các tình huống có thể xảy ra, trong bất cứ điều kiện, tình huống nào cũng không để bị động, bất ngờ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu học tập, rèn luyện, sát cánh cùng các lực lượng lập nhiều thành tích mới, góp phần đảm bảo ANTT, TTATXH cho tỉnh nhà, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Đại úy Vũ Ngọc Viên
(Đại đội trưởng Đại đội Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu, Phòng Cảnh sát Cơ động tỉnh Yên Bái)