Cảnh sát đạo đức Iran sẽ không 'gây khó dễ' với phụ nữ
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hứa sẽ đảm bảo Cảnh sát đạo đức không còn 'gây khó dễ' với phụ nữ trong bài phát biểu trước giới truyền thông vào ngày kỷ niệm 2 năm Mahsa Amini qua đời khi bị giam giữ.
Amini, một người Kurd gốc Iran 22 tuổi, đã chết khi bị cảnh sát giam giữ năm 2022, vài ngày sau khi bị Cảnh sát đạo đức bắt giữ tại Tehran vì cáo buộc vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục dành cho phụ nữ của nước cộng hòa Hồi giáo này.
Cái chết của cô đã gây ra các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng trên toàn quốc, với hàng trăm người thiệt mạng, bao gồm hàng chục nhân viên an ninh. Hàng ngàn người biểu tình đã bị bắt giữ.
“Cảnh sát đạo đức không được phép đối đầu với (phụ nữ). Tôi sẽ theo dõi để họ không làm phiền” họ, Pezeshkian phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên của ông tại Iran kể từ khi nhậm chức vào tháng 7.
Tổng thống Pezeshkian thay thế ông Ebrahim Raisi, người theo chủ nghĩa cực đoan, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng vào tháng 5. Trong chiến dịch tranh cử, ông Pezeshkian đã tuyên thệ sẽ "hoàn toàn" phản đối việc cảnh sát tuần tra thực thi lệnh bắt buộc đeo khăn trùm đầu hijab, cũng như nới lỏng các hạn chế lâu nay về internet.
Trong nhiều năm qua, Iran đã kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng internet, hạn chế các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như Facebook và X. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đã được thực thi sau các cuộc biểu tình năm 2019 phản đối việc tăng giá nhiên liệu và trong các cuộc biểu tình nổ ra sau cái chết của Amini.
Ngày 16/9, Pezeshkian cho biết chính phủ của ông đang nỗ lực nới lỏng các hạn chế trực tuyến, đặc biệt là trên mạng xã hội.