Cảnh sát đợi sẵn ở sân bay khi binh sĩ tình nguyện Hàn về từ Ukraine
Dù Seoul cấm công dân nhập cảnh vào Ukraine do lo ngại an ninh, một số người Hàn Quốc vẫn tìm cách tới quốc gia Đông Âu này để chiến đấu với tư cách binh sĩ tình nguyện.
Ngày 27/5, cựu lính đặc nhiệm Hàn Quốc Rhee Keun (còn được gọi là Ken Rhee) trở về Hàn Quốc sau gần 3 tháng ở Ukraine với tư cách lính tình nguyện.
Bản thân Ken Rhee không phải một binh sĩ Hàn Quốc thông thường. Anh vốn là một “ngôi sao” trên mạng xã hội. Tài khoản Instagram của anh có khoảng 169.000 người theo dõi, trong khi kênh YouTube có khoảng 789.000 người đăng ký.
Ngay khi xuống máy bay, Rhee cho biết anh bị 10 nhân viên cảnh sát đợi sẵn. Lực lượng chức năng Hàn Quốc thông báo anh cần tự cách ly một tuần trước khi được triệu tập để xét hỏi.
Do lệnh cấm công dân tới Ukraine của Seoul, Rhee đứng trước khả năng bị điều tra vì vi phạm quy định. Nếu bị kết tội, anh có thể bị phạt tù tới một năm và phạt tiền tới 10 triệu won (khoảng 8.000 USD) dựa trên Đạo luật Hộ chiếu, theo Yonhap.
Tình nguyện viên đặc biệt
Đầu tháng 3, sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Rhee bất ngờ tuyên bố tới Ukraine để chiến đấu với tư cách tình nguyện viên.
Chia sẻ trên Instagram, Rhee cho biết anh và những người bạn từng thử rời Hàn Quốc “theo quy trình chính thức”. “Tuy nhiên, chúng tôi thấy sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Hàn Quốc”, Rhee cho biết, theo Business Insider.
Theo cựu lính đặc nhiệm này, anh nhận được cảnh báo sẽ bị coi như “tội phạm” nếu ngó lơ lệnh cấm của chính phủ.
“Sự trừng phạt không thể khiến chúng tôi ngồi yên và không giúp đỡ Ukraine bằng các kỹ năng, kiến thức và chuyên môn mà chúng tôi có”, Rhee tuyên bố. “Nếu còn sống trở về, tôi sẽ nhận mọi trách nhiệm và chấp nhận hình phạt”.
Rhee từng tham gia chương trình truyền hình thực tế “Lực lượng đặc nhiệm - Tuần địa ngục” do đài BBC (Anh) sản xuất. Theo giới thiệu của BBC, Rhee sinh ra ở Hàn Quốc và được giáo dục ở Mỹ, nhưng quay trở lại Hàn Quốc để tham gia lực lượng đặc nhiệm hải quân và trở thành một huấn luyện viên.
Rhee từng tham gia hoạt động quân sự chống lại Triều Tiên và cả cướp biển Somali, BBC cho biết.
Tới giữa tháng 3, Rhee thông báo bản thân đã bị thương nhẹ khi chiến đấu, theo Hankyoreh. Trao đổi với tờ Novoye Vremya của Ukraine, Rhee cho biết anh đã tham gia chiến sự tại Irpin, trước khi tiến tới miền Nam Ukraine.
“Tôi bị thương trong chiến dịch quân sự mới nhất và phải dành ra vài ngày trong quân y viện”, Rhee nói.
Trong khi đó, tại Seoul, cảnh sát Hàn Quốc chuyển hồ sơ của Rhee cùng một số cá nhân khác tới cơ quan công tố do nghi ngờ vi phạm Đạo luật Hộ chiếu. Giới chức Hàn Quốc tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra ngay sau khi Rhee trở lại Hàn Quốc.
Lệnh cấm của Seoul
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 18/3 cho biết 9 công dân nước này đã nhập cảnh vào Ukraine mà không có sự cho phép của Seoul. Trong số này, nhiều người được cho là chiến đấu với tư cách tình nguyện viên. Korea Times đưa tin.
Theo giới chức Hàn Quốc, những người này tới Ukraine từ các quốc gia láng giềng.
“Nhiều người được cho là đã nhập cảnh để gia nhập quân đội nước ngoài”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết. Cơ quan trên tuyên bố đang cố gắng xác định nơi cư ngụ của các công dân.
Giữa tháng 2, khi tình hình tại Ukraine nóng lên, Seoul ban hành lệnh cấm những người mang hộ chiếu nước này di chuyển tới Ukraine, viện dẫn lý do an toàn.
“Chúng tôi kêu gọi những người Hàn Quốc nhập cảnh Ukraine mà không được cấp phép rời khỏi đất nước này ngay khi có thể”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, theo AFP. “Có những quan ngại nghiêm trọng về an toàn cá nhân của các bạn do chiến sự leo thang tại Đông Nam Ukraine”.
Hôm 25/4, lực lượng quân cảnh Hàn Quốc bắt giữ một binh sĩ thủy quân lục chiến sau khi người này ra nước ngoài mà không được chấp thuận, dù vẫn còn tại ngũ.
Binh sĩ này được cho đã rời Hàn Quốc để đến Ba Lan hôm 21/3, theo, theo Yonhap. Từ Ba Lan, anh tìm cách vào Ukraine nhưng không được chấp thuận. Sau khi được giới chức quân sự và ngoại giao thuyết phục, anh quyết định quay trở về và bị bắt ngay khi tới nơi.
Theo AFP, binh sĩ Hàn Quốc bỏ ra nước ngoài khi tại ngũ mà không được cho phép có thể bị khép vào tội đào ngũ, với hình phạt lên tới 10 năm tù.
“Chúng tôi sẽ hành động nghiêm khắc dựa trên luật lệ và quy định sau khi điều tra nguyên nhân anh ta rời bỏ nhiệm vụ”, lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc tuyên bố.
Quy định khác biệt
Ngoài Hàn Quốc, nhiều quốc gia cũng có công dân tới Ukraine với tư cách tình nguyện viên. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hồi đầu tháng 5 đưa ra con số 20.000 tình nguyện viên, theo AFP. Ông Kuleba cho biết các tình nguyện viên đa số đến từ châu Âu.
Truyền thông quốc tế cho biết đội ngũ tình nguyện viên bao gồm cả công dân Canada, Gruzia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định công dân Mỹ không bị cấm tham gia quân đội nước ngoài. Các án lệ của Tòa án Tối cao Mỹ cũng khẳng định việc phục vụ quân đội nước ngoài không thể là lý do khiến một người Mỹ bị mất quyền công dân.
“Ngoại trừ liên quan tới khủng bố, tôi không nghĩ người Mỹ nào có khả năng bị truy tố vì tới Ukraine", giáo sư David Malet, chuyên gia luật tại thủ đô Washington D.C., nói với Reuters.
Dù vậy, đa số quốc gia không ủng hộ công dân của mình chiến đấu tại Ukraine. Hôm 28/3, bộ trưởng Tư pháp từ 7 quốc gia châu Âu - Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy, Luxembourg và Bỉ - ra tuyên bố chung “nhất trí không khuyến khích người châu Âu tham chiến” như binh sĩ tình nguyện.
Chính phủ Anh đầu tháng 3 cũng cảnh báo các binh sĩ nước này không được phép chiến đấu tại Ukraine.
“Toàn bộ binh sĩ tại ngũ bị cấm tới Ukraine tới khi có thông báo mới”, một người phát ngôn quân đội Anh nói với ITV News. “Điều này áp dụng dù các binh sĩ nghỉ phép hay không. Những người tới Ukraine sẽ bị kỷ luật và chịu các hậu quả hành chính đi kèm”.
“Các bạn không thể cứ thế mà đi”, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps nói với các binh sĩ.
Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh Anh Leo Docherty hôm 11/3 cũng gửi thư tới các quỹ từ thiện quân sự để thuyết phục các tổ chức này đảm bảo cựu chiến binh Anh không tới Ukraine.
“Họ cần sử dụng các kỹ năng, kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình cho các cách thức hợp pháp để giúp đỡ Ukraine mà không tham gia xung đột”, ông Docherty tuyên bố.