Cảnh sát tăng cường hiện diện tại một số điểm bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ Mỹ
Những cử tri đi bỏ phiếu sớm tại hạt Berks, bang Pennsylvania, đang phải chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có ở các cuộc bầu cử ở Mỹ trước đây: Hai cảnh sát mặc đồng phục trang bị súng ngồi bên cạnh thùng phiếu làm nhiệm vụ bảo vệ.
Theo đài truyền hình CNN, các quan chức bầu cử địa phương đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hỏi cử tri một số thông tin trước khi họ bỏ phiếu bầu, cho thấy sự chia rẽ ngày càng tăng tại Mỹ trước cáo buộc cuộc bầu cử năm 2020 bị hủy hoại do gian lận phiếu bầu.
Trong khi đối với một số người dân địa phương, cảnh sát cố gắng đảm bảo một cuộc bầu cử công bằng và trong sạch thì những người khác lại cho rằng sự hiện diện và chất vấn trực tiếp của những sĩ quan này có nguy cơ đe dọa các cử tri và đặt ra các thuyết âm mưu vô căn cứ.
Mary McCord, Giám đốc điều hành Cơ quan Bảo vệ và Vận động Hiến pháp tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown, cho biết: “Việc cảnh sát có mặt ngay cạnh các thùng bỏ phiếu có thể trở nên đáng sợ trong thời điểm hiện tại đối với các cử tri đi bỏ phiếu. Nó có thể ám chỉ thông điệp cuộc bầu cử của chúng ta không an toàn, có gian lận. Điều đáng buồn hơn là hoạt động này hình thành từ những thông tin sai lệch”.
Khung cảnh xảy ra ở Berks chỉ là một trong những ví dụ điển hình phản ánh cơ quan thực thi pháp luật đang ngày càng can thiệp vào quy trình bỏ phiếu năm 2022.
Với mỗi cử tri tiến đến hòm bỏ phiếu, hai cảnh sát đều hỏi những câu tương tự: “Đây có phải lá phiếu của ông/bà/anh/chị không?”.
Holly Manbeck, đi cùng mẹ đến điểm bỏ phiếu bầu, nói: “Từ các phương tiện truyền thông, chúng tôi được thông tin rằng có nhiều hành vi gian lận đang diễn ra trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, tôi không muốn đường phố của chúng ta mất an toàn vì cảnh sát lại bị điều về đây túc trực để giám sát một chiếc hộp”.
David Leitheiser, một thợ điện đã nghỉ hưu đi bỏ phiếu vào ngày 28/10, chia sẻ các sĩ quan rất thân thiện và ông cảm thấy khá thoải mái khi bỏ phiếu vào thùng. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng các cử tri khác có thể không.
Để ngăn tình trạng cử tri cảm thấy không thoải mái hoặc bị đe dọa trước sự có mặt của cảnh sát, giới chức Pennsylvania cấm cảnh sát không được ở trong phạm vi 30 m xung quanh điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử, ngoại trừ một số trường hợp.
Hồi tháng 5, các ủy viên hạt Berks bày tỏ sự thất vọng trước việc người dân địa phương tin vào các thuyết âm mưu bầu cử. Trả lời phỏng vấn đài CNN, Chủ tịch Ủy ban Christian Leinbach nhấn mạnh: “Chúng tôi nghe nói các bạn có thể truy cập Internet và lên Google tìm những thông tin về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Tôi tin rằng các thùng phiếu của chúng ta là an toàn và chúng không bị bất kỳ một yếu tố nào đe dọa cả”.
Tuy nhiên, vào tháng 9, các ủy viên đều bỏ phiếu nhất trí huy động cảnh sát chất vấn cử tri tại các thùng bỏ phiếu.