Cảnh sát thu giữ tài liệu của các văn phòng Jeju Air
Cuộc khám xét và thu giữ này cũng được tiến hành tại 2 địa điểm khác, bao gồm chi nhánh Muan của Cục Hàng không khu vực Busan và Văn phòng Jeju Air tại Seoul.
Ngày 3/1, đơn vị điều tra tai nạn máy bay chở khách thuộc hãng hàng không Jeju Air của Cơ quan cảnh sát Jeonnam tiếp tục khám xét và thu giữ tài liệu tại sân bay quốc tế Muan để xác định nguyên nhân xảy ra thảm kịch máy bay chở khách của hãng này.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, cuộc khám xét và thu giữ tài liệu bắt đầu lúc 9h sáng 2/1 và kéo dài suốt 23 giờ trong đó khoảng 30 điều tra viên được triển khai. Cuộc khám xét và thu giữ này cũng được tiến hành tại 2 địa điểm khác, bao gồm chi nhánh Muan của Cục Hàng không khu vực Busan và Văn phòng Jeju Air tại Seoul. Quá trình khám xét và thu giữ tài liệu tại 2 địa điểm này đã hoàn tất lần lượt vào lúc 14h và 19h ngày 2/1.
Cảnh sát đang điều tra xem có bất kỳ vấn đề nào về tính phù hợp của cấu trúc (bộ định vị) xung quanh đường băng nơi máy bay gặp tai nạn va chạm hay không, thông tin liên lạc được trao đổi giữa tháp điều khiển và phi công ngay trước khi xảy ra tai nạn, chẳng hạn như cảnh báo va chạm với chim, sự cố và lịch sử bảo trì của máy bay.
Cơ quan điều tra cũng đang bảo mật đoạn phim TV mạch kín (CC) gần đường băng ghi lại đường di chuyển và tình hình của máy bay gặp nạn ngay trước khi xảy ra tai nạn, cũng như các hồ sơ liên quan đến các cơ sở vật chất, việc vận hành và bảo trì đối với máy bay gặp tai nạn.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Jeonnam đã nhận được lệnh khám xét và thu giữ tài liệu với cáo buộc sơ suất nghề nghiệp dẫn đến tử vong liên quan đến thảm họa hàng không. Đến hiện tại, vẫn chưa có ai bị coi là nghi phạm về các tội danh liên quan. Tuy nhiên, 2 quan chức, trong đó có Giám đốc điều hành Jeju Air Kim Lee Bae, được đánh giá là nhân chứng quan trọng và bị cấm xuất cảnh.
*Cũng trong ngày 2/1, hãng Jeju Air đã phản bác các thông tin không chính xác bùng lên sau thảm kịch máy bay nói trên.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc bộ phận quản lý hành chính Song Kyeong Hoon của Jeju Air khẳng định hãng đã tuân thủ Hướng dẫn phân bổ 12 kỹ sư bảo dưỡng cho mỗi máy bay. Từ năm 2024, tỷ lệ kỹ sư bảo dưỡng đang duy trì trung bình có 12,7 kỹ sư bảo dưỡng trên mỗi máy bay, cao hơn một chút so với ngưỡng tối thiểu là 12 kỹ sư do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông khuyến nghị.
Giám đốc Jeju Air cũng bác bỏ những đồn đoán về việc phi công bị quá tải, nhấn mạnh rằng phi công và phi hành đoàn của hãng được nghỉ 24 giờ giữa các chuyến bay quốc tế.
Công ty cũng giải đáp các tin đồn gần đây rằng việc hủy vé của hành khách có thể buộc Jeju Air phải hoàn lại 260 tỷ won (177 triệu USD). Đại diện Jeju Air cho biết sau tai nạn ngày 29/12, có hiện tượng gia tăng lượng hủy đặt chỗ song vấn đề này sẽ không tác động đến các kế hoạch đầu tư trong tương lai của hãng.
Ông Song Kyeong Hoon khẳng định hãng này đang hợp tác toàn diện với cảnh sát cũng như các đơn vị điều tra để làm rõ nguyên nhân gây tai nạn.
Hãng hàng không giá rẻ này cho biết kế hoạch giảm 10-15% số chuyến bay vào mùa Đông sẽ có hiệu lực đối với các chuyến bay nội địa sớm nhất là vào tuần tới và từ tuần thứ ba của tháng 1 đối với các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, hãng không cung cấp thông tin chi tiết về các chuyến cụ thể sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện tại, Jeju Air đang tập trung mọi nỗ lực hỗ trợ các gia đình nạn nhân.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/canh-sat-thu-giu-tai-lieu-cua-cac-van-phong-jeju-air/358922.html