Canh tác trên đất mặn

Ngày 4/4/2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Ðầm Dơi ban hành Chỉ thị số 10 về 'Tăng cường vận động Nhân dân trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm'. Sau 10 năm thực hiện, diện tích giữ ngọt để trồng rau, nuôi cá tại huyện đã tăng từ khoảng 800 ha (năm 2014) lên hơn 2.200 ha (đầu năm 2024).

Toàn huyện hiện có 21.095 hộ xây dựng mô hình vườn rau, ao cá (vườn rau 6.410 hộ, cây trồng 6.050 hộ, ao cá 4.775 hộ, chuồng trại 3.860 hộ với tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 69 ngàn con...), trong tổng 43.703 hộ dân toàn huyện.

Ðiển hình, hộ ông Trần Văn Cần ở ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, phát triển khu vườn nước ngọt rộng hơn 3.000 m2, trồng khá nhiều loại rau màu, cây ăn trái và đào ao nuôi cá. Ông Cần khoe: "Ban đầu, tôi định lập vườn, nuôi cá để phục vụ bữa ăn gia đình. Càng về sau, cá nuôi nhiều quá, bà con trong ấp hỏi mua nên tôi bán, mỗi năm được từ 20-30 triệu đồng, tính ra cũng đủ chi phí sinh hoạt trong nhà. Vậy là vui rồi".

Chị em phụ nữ đến tham quan, học hỏi mô hình trồng khóm trên bờ vuông tôm hiệu quả của bà Đẹp.

Chị em phụ nữ đến tham quan, học hỏi mô hình trồng khóm trên bờ vuông tôm hiệu quả của bà Đẹp.

Ðến nay, tại vùng nước mặn chuyên nuôi tôm của xã Tân Duyệt, phần lớn hộ dân đều có khu vực riêng để trồng rau. Theo bà Hồ Kim Muội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, nguồn rau, cá nước ngọt không chỉ đủ phục vụ bữa ăn mà rất nhiều nông hộ còn có dư để bán, cải thiện và tăng thu nhập rất khả quan. Cũng nhờ cách làm này mà cuối năm 2023, Tân Duyệt hoàn thiện tiêu chí thu nhập, được công nhận xã nông thôn mới. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 2%, hộ cận nghèo chỉ còn 15 hộ.

Với xã Quách Phẩm, địa phương phát động phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình từ trồng trọt, chăn nuôi, được người dân hưởng ứng tích cực. Bà Lê Thị Ðẹp, ấp Lung Trường, trồng 70 gốc dừa, 150 bụi khóm và vài chục cây xoài, chuối...

Chị em phụ nữ đến tham quan, học hỏi mô hình trồng khóm trên bờ vuông tôm hiệu quả của bà Đẹp.

Chị em phụ nữ đến tham quan, học hỏi mô hình trồng khóm trên bờ vuông tôm hiệu quả của bà Đẹp.

Bà Ðẹp chia sẻ: "Ban đầu tôi trồng khóm, mọi người nói cây khó sống lắm. Tuy nhiên, năm rồi khóm đã có trái và rất ngọt. Thế là năm nay tôi trồng nhiều hơn. Khóm dễ trồng và cũng chịu phèn, chỉ cực là phải phát cỏ. Ở đây nhiều bà con thấy tôi trồng đã trồng theo. Mỗi đợt thu hoạch, đem ra chợ bán cũng được vài triệu đồng. Mình vừa có cái ăn, vừa bán được tiền, lại không bỏ phí đất thì càng vui và càng có động lực để đẩy mạnh mô hình này".

Suốt 5 năm qua, ngoài vuông tôm, gia đình bà Ðẹp tích cực cải tạo vườn để trồng các loại cây ăn trái và nuôi thêm sò huyết thương phẩm. Mỗi năm, gia đình lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng từ cây ăn trái, khoảng 25 triệu đồng từ sò huyết.

Bà Lê Thị Ðẹp duy trì trồng trọt, canh tác trên đất mặn.

Bà Lê Thị Ðẹp duy trì trồng trọt, canh tác trên đất mặn.

Ông Bùi Quang Thám, Phó chủ tịch UBND xã Quách Phẩm, cho biết: "Từ năm 2023, xã giảm 15 hộ nghèo nhờ việc bà con chí thú thực hiện các mô hình canh tác, trồng trọt trên đất mặn. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có kế hoạch phân công các ngành, đoàn thể hỗ trợ sát sao bà con trong quá trình làm kinh tế. Chọn những mô hình phù hợp với điều kiện của người dân như: nuôi sò huyết, trồng các loại cây ăn trái: dừa, chuối, khóm... và các loại khoai, gừng. Riêng mô hình nuôi sò huyết, chúng tôi đã hỗ trợ con giống cho 17 hộ, mỗi hộ được cung cấp con giống trị giá khoảng 20 triệu đồng. Cán bộ khuyến ngư xã theo dõi và hỗ trợ thêm về kỹ thuật. Người dân bỏ công chăm sóc và nỗ lực tạo nguồn kinh tế từ mô hình. Nghề nuôi sò huyết đã trở thành kinh tế chủ lực của xã".

Lập vườn trồng rau, nuôi cá... trên vùng mặn được đông đảo người dân trên địa bàn huyện thực hiện khoảng 10 năm nay, có được kết quả khả thi và hiện đang được huyện khuyến khích đẩy mạnh để xóa nghèo và phát triển kinh tế.

Ông Ngô Bá Thành, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: "Ngoài thúc đẩy tăng gia sản xuất, giúp người dân có thêm thu nhập trên vùng đất mặn, Chỉ thị số 10 và sự chỉ đạo của Huyện ủy đã khơi dậy tinh thần chịu thương, chịu khó vốn có của người dân địa phương. Từ hiệu quả thực tiễn như có được nguồn thực phẩm cho gia đình, thu được lợi nhuận kinh tế, cũng đẩy mạnh tinh thần tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế"./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/canh-tac-tren-dat-man-a33631.html