Cánh tay nối dài của truyền thông chống dịch
Nước ta đã và đang trải qua 4 đợt dịch COVID-19. Để phòng dịch hiệu quả, nhiều địa phương đã kích hoạt các loại hình truyền thông trong cộng đồng, nhằm theo dõi, giám sát, rà soát chặt chẽ các yếu tố dịch tễ để linh hoạt các biện pháp truyền thông phòng chống dịch COVID-19.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp...
Theo các chuyên gia, Tổ COVID-19 cộng đồng là một mô hình sáng tạo và hiệu quả trong việc vận dụng sức mạnh toàn dân trong phòng chống dịch COVID-19 tại nước ta.
Trong các đợt dịch, chỉ trong thời gian ngắn, các địa phương ở miền Trung thông qua công tác dân vận đã thành lập được hàng vạn tổ COVID cộng đồng, trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch. Điều này đồng nghĩa có thêm được gần 3 vạn người dân trực tiếp tham gia phòng dịch một cách tích cực và hiệu quả tại từng ngõ ngách khu dân cư.
GS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từng nhận định: Tổ COVID cộng đồng là vũ khí lợi hại bởi việc phòng chống dịch phải dựa vào nhân dân, từng gia đình, từng cá nhân... để tạo sức mạnh tổng hợp. Tổ COVID cộng đồng là một minh chứng cho điều đó.
Tùy theo đặc điểm của từng địa phương mà có sự khác nhau trong thành phần, số lượng người dân tham gia các tổ COVID cộng đồng. Họ có thể là tình nguyện viên tại khu dân cư, cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể... Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách khoảng từ 40 đến 60 hộ gia đình.
Hằng ngày, tổ COVID cộng đồng sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay qua điện thoại cho chính quyền địa phương và đơn vị y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; mất ngủ hoặc đau ngực, khó thở... Hỏi và phát hiện những trường hợp đi từ vùng có dịch COVID-19 về. Không ít các trường hợp bệnh nhân COVID-19 đã được phát hiện thông qua việc sàng lọc ho, sốt do tổ COVID cộng đồng thực hiện.
Đồng thời, các thành viên tổ cũng thực hiện tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình: Thực hiện thông điệp 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”; Ở nhà, hạn chế đi ra ngoài khi không thực sự cần thiết.
Sau khi hoàn thành ca trực mỗi sáng, các thành viên tổ COVID cộng đồng quay trở về nhà văn hóa, phát bản tin trên loa phát thanh, đồng thời nêu tên nhắc nhở những trường hợp người dân vi phạm. Thậm chí các thành viên của tổ còn dùng loa kéo để truyền thông chống dịch đến từng ngõ ngách khu dân cư. Nhiều cụ năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 trong cộng đồng, thậm chí các cụ còn xung phong trực ca đêm tại chốt kiểm soát.
Linh hoạt
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lực lượng truyền thông phòng chống dịch ở Khánh Hòa linh hoạt nhiều phương pháp truyền thông phù hợp.
Tất cả nội dung, thông điệp chính về phòng chống dịch COVID-19 từ Trung ương về tỉnh được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa tiếp nhận ngay. Sau đó, nguồn tin gốc này sẽ lan tỏa xuống từng khu dân cư. Các loa phát thanh tuyến xã đồng loạt phát rầm rộ (trung bình 2 lần mỗi ngày). Loa truyền thanh xã phát xong thì từng người có uy tín trong cộng đồng tiếp tục đi hướng dẫn từng nhà không được lơ là phòng dịch.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, phải huy động tổng hợp các loại tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi ngày ký các văn bản báo cáo về dịch bệnh 2 lần vào buổi sáng và chiều muộn. Ký xong, ngay lập tức được chuyển đến lực lượng truyền thông các tuyến cơ sở. Có khi Bộ Y tế, tỉnh ban hành văn bản mới, chúng tôi tiếp nhận và ký thông báo xong ít phút thì hệ thống loa truyền thanh ở xã cùng các nhân viên truyền thông địa bàn đã phát kịp thời rồi.
Kênh truyền thông của lực lượng thanh niên cũng xuống đường sử dụng các hình ảnh minh họa thể hiện các thông điệp phòng dịch COVID-19 như: Thông điệp 5K, cách phòng dịch hiệu quả... đưa các thông tin chính xác nhất, nhanh nhất về phòng dịch COVID-19 cho người dân.
Là đầu mối thông tin, lực lượng truyền thông của ngành y tế ở Khánh Hòa còn thường xuyên huấn luyện, trang bị kiến thức truyền thông hiệu quả cho tuyến xã, kết nối nhanh để chuyển ngay lập tức các báo cáo, các thông tin về truy vết ca bệnh, việc giám sát dịch tễ... Vậy nên, tất cả thông tin đều nhất quán, kịp thời. Từ đây người dân sẽ nắm vững được tình hình dịch bệnh, không hoang mang hoặc dao động, phân tâm bởi những thông tin xấu, độc.
Trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập nhà máy, khu công nghiệp, các thông điệp của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Khánh Hòa cũng nhanh chóng được truyền thông lan tỏa đến từng công nhân, lao động. Chủ doanh nghiệp ở tất cả các khu công nghiệp phải ký cam kết phòng chống dịch với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương, có bố trí bộ phận đầu mối theo dõi công tác phòng chống dịch. Thông qua truyền thông, tập huấn, giám sát, các doanh nghiệp phải thực hiện tốt yêu cầu 5K; phun khử khuẩn định kỳ; kiểm tra thân nhiệt người lao động đến làm việc; doanh nghiệp có xe đưa đón công nhân, bảo đảm không quá 50% chỗ ngồi trên xe; bố trí chia ca làm việc để giãn khoảng cách khi làm việc; bố trí không gian làm việc thông thoáng... 100% công nhân có cài đặt Bluezone, khai báo y tế hàng ngày nếu về nơi lưu trú có ca dương tính...
Ông Nguyễn Thành (nhân viên truyền thông ở Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bộc bạch, từ nguồn thông tin chính thống của Bộ Y tế, Sở Y tế Khánh Hòa ban ra, dưới cơ sở chúng tôi quyết tâm trong thời gian sớm nhất đưa đến từng người dân. Gia đình nào đi vắng thì sẽ được phát tài liệu hoặc phân công người có uy tín trong khu dân cư đến truyền thông trực tiếp. Hơn nữa, hệ thống loa đài được củng cố liên tục, nên hầu hết thông tin phát đi, mọi người đều nắm được.
Truyền thông ngành y tế cũng sát cánh, hỗ trợ đắc lực về chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền cho các tổ COVID-19 cộng đồng, nên hiệu quả thông tin được chuyển tải rất cao.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-tay-noi-dai-cua-truyen-thong-chong-dich-n195410.html