'Cánh tay nối dài' của y tế vùng sâu, vùng xa

Khu vực biên giới tỉnh Nghệ An núi tiếp núi, rừng tiếp rừng, là nơi quần tụ của nhiều thành phần dân tộc thiểu số. Điều kiện địa lý xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chăm sóc y tế. Với tâm niệm 'dân khỏe, biên giới vững', những năm qua, lực lượng quân y BĐBP Nghệ An không những đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng, mà còn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Nhôn Mai cấp thuốc cho người dân tại "Tủ thuốc biên cương" của đơn vị. Ảnh: Anh Bách

Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Nhôn Mai cấp thuốc cho người dân tại "Tủ thuốc biên cương" của đơn vị. Ảnh: Anh Bách

BĐBP Nghệ An được giao nhiệm vụ quản lý 468,281km đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, những năm qua, BĐBP Nghệ An đã triển khai hoạt động có hiệu quả các trạm quân dân y, các "Tủ thuốc biên cương" trên địa bàn vùng sâu, vùng xa biên giới. Những người thầy thuốc mang quân hàm xanh không quản ngại khó khăn, gian khổ chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, vận động đồng bào ăn ở hợp vệ sinh, phòng, chống các loại dịch bệnh...

Đầu tháng 12/2024, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm khánh thành đưa vào sử dụng “Ngôi nhà thiện nguyện sao xanh” ngay trước cổng đơn vị. Ngôi nhà ngoài cung cấp nước sạch miễn phí, các nhu yếu phẩm cần thiết cho đồng bào như quần áo, đồ dùng gia đình, còn là nơi khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con mỗi khi người dân đau ốm. Với địa bàn còn nhiều khó khăn như Nhôn Mai, việc có thêm một cơ sở chăm sóc sức khỏe đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là các địa bàn cách xa trung tâm xã, thường bị chia cắt dài ngày khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, thông qua công tác khám, chữa bệnh, cán bộ quân y Biên phòng còn kết hợp tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Trung tá Trần Nam Thắng, Trưởng ban Quân y, BĐBP Nghệ An cho biết: "Đồng bào địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, kể cả đời sống và công tác chăm sóc sức khỏe, do vậy, chúng tôi xác định, chăm sóc sức khỏe cho người dân là trách nhiệm của những người lính Biên phòng. Bên cạnh các trạm quân dân y kết hợp, mô hình "Tủ thuốc biên cương" trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An được triển khai ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa xuất phát từ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Để mô hình "Tủ thuốc biên cương" hoạt động có hiệu quả, các đơn vị đã tranh thủ nguồn nhân lực, vật lực từ các tổ chức, cá nhân từ thiện, sự ủng hộ của chính quyền địa phương để triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ngay tại địa phương. Hiện nay, trên tuyến biên giới Nghệ An đang triển khai 6 phòng khám quân dân y kết hợp cùng 9 "Tủ thuốc biên cương" ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm các xã biên giới hàng chục km đường rừng".

Thiếu tá Nguyễn Duy Hoàng, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Mỹ Lý khám bệnh cho người dân tại Trạm quân dân y kết hợp Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Anh Bách

Thiếu tá Nguyễn Duy Hoàng, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Mỹ Lý khám bệnh cho người dân tại Trạm quân dân y kết hợp Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Anh Bách

Năm 2022, Trạm quân dân y Mường Lống được khánh thành và đưa vào sử dụng, Trạm được đặt ngay đầu bản Mường Lống. Địa bàn bản Mường Lống nằm cách trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30km đường rừng, vào bản chỉ có con đường đất độc đạo, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bản có 135 hộ, với hơn 800 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông; đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, tập quán, đời sống lạc hậu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con. Từ ngày có trạm quân dân y tại bản, bà con được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, những lúc ốm đau, người dân đã tìm đến trạm quân dân y để được thăm khám, không còn cảnh tự chữa bệnh tại nhà như trước đây nữa.

Già làng Xồng Pá Chù, bản Mường Lống cho biết: “Khi chưa có trạm quân dân y kết hợp thì người dân trong bản vất vả, đường đi lại khó khăn, nhất là những lúc trời mưa, có người ốm, người đau đi vất vả. Giờ đây, có trạm quân dân y kết hợp tại bản, người dân trong bản ai đau, ai ốm thì đi khám, nếu trạm chữa được thì cho thuốc, nếu bệnh nặng quá thì bộ đội cho giấy đi khám ở xã, ở huyện. Các cán bộ quân y còn tuyên truyền để bà con giữ gìn vệ sinh làng bản, ăn chín, uống sôi”.

Ngoài khám chữa bệnh, các bác sĩ quân y nơi biên giới còn là những tuyên truyền viên tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và đặc biệt là phòng, chống các loại dịch bệnh. Thượng tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết: "Lực lượng quân y thường xuyên túc trực, bám nắm tình hình nhân dân để tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con, bất kể ngày hay đêm, hay ở các địa bàn xa xôi, khi người dân cần, quân y sẽ đến tận nhà khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con".

Vai trò các trạm quân dân y kết hợp và "Tủ thuốc biên cương" của BĐBP Nghệ An trên địa bàn biên giới được chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An còn triển khai hiệu quả công tác dân vận, phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Qua đó, càng thắt chặt tình cảm gắn bó quân dân nơi địa bàn biên giới.

Anh Bách

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotcanh-tay-noi-daiquot-cua-y-te-vung-sau-vung-xa-post486727.html