Hà Nội hỗ trợ các làng nghề truyền thống hội nhập thế giới

Hà Nội vừa ghi dấu ấn quan trọng khi hai làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về kế hoạch phát triển làng nghề của Thủ đô.

Hà Nội đã có những định hướng gì để phát triển làng nghề gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế, thưa ông?

Hà Nội chú trọng phát triển làng nghề gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm làng nghề đạt tiêu chuẩn OCOP không chỉ được nâng cao chất lượng, mà còn có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, chương trình nông thôn mới nâng cao giúp cải thiện hạ tầng làng nghề, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển bền vững. Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 337 làng nghề truyền thống đã được UBND Thành phố công nhận.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.

Song song với đó, Hà Nội chú trọng đưa làng nghề hội nhập quốc tế. Năm 2023, từ việc đánh giá thực trạng bảo tồn và phát triển làng nghề, kết hợp với sự kiện Triển lãm quốc tế về thủ công mỹ nghệ do Hội đồng Thủ công thế giới tổ chức tại Milan (Italia), chúng tôi đã ký kết hợp tác với Hội đồng này và mời đoàn khảo sát đến Hà Nội để đánh giá các làng nghề tiêu biểu.

Tháng 9/2024, đoàn khảo sát đã đến làm việc với làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) và làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm). Sau quá trình thẩm định theo các tiêu chí quốc tế, đến tháng 1/2025, hai làng nghề này chính thức được công nhận và vinh danh.

Việc gia nhập Mạng lưới Thành phố thủ công sáng tạo thế giới có ý nghĩa thế nào đối với phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thưa ông?

Đây là cơ hội lớn để quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam ra thế giới, giúp các làng nghề hội nhập sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, việc này mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao thương với các đối tác quốc tế.

Các làng nghề cần không ngừng đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế. Việc được công nhận là thành viên chính thức cũng là một vinh dự lớn không chỉ cho làng nghề mà còn cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai Đề án tổng thể bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 11 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển làng nghề bền vững. UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương để thực hiện hiệu quả đề án này.

Đặc biệt, Thành phố sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ về quy hoạch, đầu tư, xúc tiến thương mại, bảo tồn và liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với quốc tế. Chúng tôi cũng khuyến khích giao lưu với các làng nghề trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm.

Việc xúc tiến thương mại và quảng bá làng nghề Việt Nam sẽ được Hà Nội thực hiện như thế nào trong thời gian tới? Hà Nội có kế hoạch đưa thêm làng nghề nào tham gia mạng lưới này không, thưa ông?

Việc hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc gia nhập mạng lưới toàn cầu mở ra cơ hội để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa, kết hợp sản xuất làng nghề với du lịch. Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn giúp quảng bá văn hóa Thủ đô ra quốc tế.

Trình diễn làm nghề gốm của nghệ nhân Bát Tràng.

Trình diễn làm nghề gốm của nghệ nhân Bát Tràng.

Các sản phẩm làng nghề không chỉ đơn thuần là mặt hàng tiêu dùng mà còn chứa đựng câu chuyện lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc. Chúng tôi khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng thị hiếu khách hàng trong nước và quốc tế. Đồng thời, công tác đào tạo nghề cũng được chú trọng nhằm truyền dạy cho thế hệ trẻ, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho các làng nghề.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hội đồng Thủ công thế giới để khảo sát thêm các làng nghề tiêu biểu của Hà Nội. Dự kiến, trong năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm từ 2 - 3 làng nghề được công nhận là thành viên chính thức của mạng lưới này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài, ảnh, clip: XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ha-noi/ha-noi-ho-tro-cac-lang-nghe-truyen-thong-hoi-nhap-the-gioi-20250220112109119.htm