Cảnh tiếp tế lương thực ở phường hơn 20 nghìn dân bị cách ly ở Hà Nội
Do đặc thù phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không có chợ dân sinh nên khi bị cách ly, chính quyền tổ chức các tổ tiếp nhận và vận chuyển nhu yếu phẩm.
9h30 sáng nay, hàng chục người vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào phường Chương Dương xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt. Để đưa hàng tiếp tế vào trong, họ phải trung chuyển qua tổ tiếp nhận do quận Hoàn Kiếm chỉ đạo thực hiện.
Ngày thứ tư thực hiện quyết định thành lập vùng cách ly y tế của UBND quận Hoàn Kiếm, hơn 20.000 dân phường Chương Dương được chính quyền hỗ trợ tối đa trong khâu hậu cần như việc tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm. Với mục tiêu không để người dân thiếu lương thực trong thời gian cách ly, quận Hoàn Kiếm xây dựng tổ cung ứng lương thực rồi vận chuyển đến từng nhà dân.
Chủ tịch UBND phường Chương Dương Nguyễn Văn Vĩnh nói với VietNamNet, việc chăm lo hậu cần cho người dân thời gian cách ly được quận ưu tiên hàng đầu. Đích thân một Phó chủ tịch UBND quận được giao trọng trách quản lý chung địa bàn phường trong thời gian cách ly, trong đó tập trung vào công việc hậu cần.
Theo ông Vĩnh, trên địa bàn phường không có chợ dân sinh mà chỉ có 2 điểm mua sắm. Do vậy, khi bị phong tỏa, việc chính quyền phải giải quyết đầu tiên là tiếp tế lương thực.
"Vừa đảm bảo việc giãn cách xã hội, ai ở nhà nào ở yên đó vừa đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu là điều chúng tôi đã và đang giải quyết", ông Vĩnh nói.
Cụ thể, phường Chương Dương thành lập các điểm tiếp nhận hàng tiếp tế từ bên ngoài vào phường. Hàng hóa khi được giao đến các chốt kiểm soát sẽ được trung chuyển đến tận nhà.
"Chúng tôi huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Từ Tổ trưởng dân phố, đến dân phòng, các lực lượng thanh niên... được huy động tối đa để vận chuyển lương thực đến với từng người dân. Về phương tiện, chúng tôi được UBND quận cấp xe điện để giao tận tay người dân các bọc hàng hóa thiết yếu", ông Vĩnh thông tin.
Sau 3 ngày thực hiện cách ly, lãnh đạo UBND phường Chương Dương nhìn nhận, mọi việc đang được thực hiện theo đúng kịch bản đưa ra, toàn hệ thống đã chủ động trước tình huống này và đặc biệt, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu thốn.
Theo quy định, thời gian tiếp nhận các hàng hóa thiết yếu buổi sáng từ 8-10h và buổi chiều từ 14-16h. Tuy nhiên, thời gian nêu trên cũng được linh động, có thời điểm ngoài giờ trên, các cán bộ tại chốt vẫn tiếp nhận và hỗ trợ vận chuyển.
Có ba điểm tiếp nhận chính được phường thành lập gồm điểm Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ và Cầu Đất. Các điểm này được chia theo thứ tự số nhà ở các đường Hồng Hà, Vọng Hà, Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ, Bạch Đằng và Cầu Đất.
Đứng chờ xếp hàng tại điểm tiếp nhận đường Chương Dương Độ, ông Lê Nam (quận Hai Bà Trưng) cho biết, vì có người thân đang sinh sống bên trong phường nên hôm nay ông chuyển hàng hóa tiếp tế. Các mặt hàng chủ yếu là rau, củ, hoa quả tươi và thịt, trứng đủ dùng cho khoảng 3-4 ngày.
Mất khoảng 10 phút xếp hàng theo đúng khoảng cách 2m, ông Nam mới chuyển hàng vào bên trong và ghi các thông tin về người nhận. Ngay sau đó, hàng hóa của ông cùng nhiều người khác được đưa lên chiếc xe điện đang chờ sẵn để đến từng địa chỉ cụ thể.
Là nơi phát hiện 21 ca mắc Covid-19, ngõ 561 Minh Khai (phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng) bị cách ly với gần 1.000 nhân khẩu từ ngày 1/8. Để đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, chính quyền phường Thanh Lương bố trí bàn để tiếp nhận các nhu yếu phẩm từ bên ngoài vào trong.
Theo ghi nhận, tại điểm cách ly số 561 phố Minh Khai lác đác một vài người tiếp tế lương thực thuận lợi, dễ dàng,
Một số hình ảnh tiếp tế lương thực tại phường Chương Dương sáng nay:
Tính đến trưa nay, 3/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 23 trường hợp dương tính mới, trong đó có 15 ca tại cộng đồng, 8 ca khu cách ly. Nâng tổng ca mắc Covid-19 tính từ thời điểm 29/4 đến nay hơn 1.400 trường hợp.
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh tại cuộc họp chiều muộn 2/8 đặc biệt lưu ý việc điều chỉnh chuỗi cung ứng để đảm bảo mọi mặt đời sống nhân dân, an toàn phòng dịch. Sở Công Thương, các quận huyện phải có ngay phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa, vận chuyển với từng địa bàn; kiểm tra, đảm bảo an toàn thật sự cho hệ thống chợ, siêu thị; đẩy nhanh việc rà soát hỗ trợ người yếu thế, khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Chủ tịch UBND các quận, huyện phải xuống cơ sở, tới tổ dân phố, khu dân cư với cách làm: “Mỗi địa bàn phải liên tục kiểm soát, đánh giá lại các khu vực nguy cơ cao… chú ý những khu vực đông dân, ngõ hẹp”.