Cạnh tranh gay gắt để kiếm việc lương cao ở Trung Quốc

Để có công việc, thu nhập ổn định trong khi dịch bệnh kéo dài, người trẻ ở xứ tỷ dân phải cạnh tranh ứng tuyển, chấp nhận văn hóa làm việc '996'.

Trước ảnh hưởng của đại dịch lên thị trường lao động, nhiều sinh viên năm cuối tại Trung Quốc đang nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi công chức. Họ muốn làm việc trong cơ quan nhà nước để được đảm bảo thu nhập, an sinh xã hội...

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi số lượng ứng viên chạm kỷ lục mới, theo Sixth Tone.

Cụ thể, số lượng người đăng ký tham gia kỳ thi công chức quốc gia vào năm ngoái vượt mức 2 triệu ứng viên, tăng 34% so với năm 2020.

 Mặc cho tỷ lệ cạnh tranh là một chọi 60, nhiều sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc vẫn muốn tham gia kỳ thi công chức để có công việc ổn định.

Mặc cho tỷ lệ cạnh tranh là một chọi 60, nhiều sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc vẫn muốn tham gia kỳ thi công chức để có công việc ổn định.

1,83 triệu người đã vượt qua vòng đầu. Họ phải cạnh tranh để vào 31.242 vị trí còn trống, với tỷ lệ gần như là một chọi 60.

Trong khi đó, thị trường lao động ở xứ tỷ dân vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch và khiến số lượng việc làm ngày càng hạn chế, Bộ Giáo dục trả lời tại một buổi họp báo diễn ra tháng 12/2021.

Thông thường, cao điểm của mùa tuyển dụng là sau Tết Nguyên đán. Nhưng, đã 3 tuần trôi qua, các vị trí tuyển dụng vẫn hạn chế.

Báo cáo của cổng thông tin tuyển dụng online Zhaopin, số yêu cầu tuyển dụng một tuần sau Tết Nguyên đán giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình, mỗi tin tuyển dụng nhận được khoảng 11 hồ sơ đăng ký, con số gấp đôi so với năm 2021.

Đơn vị giới thiệu việc làm 51job.com cũng cho biết lượng ứng viên gửi hồ sơ về đã tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ hội hạn chế và thị trường cạnh tranh cao là những áp lực mà các cử nhân mới ra trường phải đối mặt.

Trong khi đó, nhiều người trẻ cố gắng ứng tuyển vào các công ty công nghệ với hy vọng có mức thu nhập cao.

Tuy nhiên, những "gã khổng lồ Internet" ở Trung Quốc như Baidu, Zhihu, Weibo và ByteDance đang phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô trước những thay đổi của chính sách nhà nước, theo Sixth Tone.

Wang, hiện là thực tập sinh tại ByteDance, đã trải qua 4 vòng phỏng vấn trước bắt đầu công việc vào tháng 1. Anh cho biết một người bạn của mình phải thử việc hết 9 lần để được thực tập trong một kỳ ở công ty này.

"Công ty này không thiếu những người có học vấn cao, tốt nghiệp từ các trường ở top đầu. Chúng tôi phải cạnh tranh gay gắt để tìm cơ hội làm việc", Wang nói.

 Nhiều người trẻ phải cạnh tranh gay gắt, chấp nhận môi trường làm việc áp lực và văn hóa "996" khi làm việc tại các công ty công nghệ.

Nhiều người trẻ phải cạnh tranh gay gắt, chấp nhận môi trường làm việc áp lực và văn hóa "996" khi làm việc tại các công ty công nghệ.

Xiaotu, một nhân viên của Tencent, cho biết anh muốn làm việc tại các công ty top đầu về công nghệ để có thể đảm bảo tài chính.

"Con đường tốt nhất để có cuộc sống riêng là làm việc cho những 'gã khổng lồ về Internet'. Ngoài hoàn cảnh gia đình khá giả hay lấy vợ giàu có, chỉ có công việc ở đây mới có thể giúp bạn sở hữu căn hộ, ôtô và kết hôn trước 30 tuổi", anh chia sẻ.

Ngành công nghiệp Internet vẫn là một trong các lĩnh vực được trả lương cao nhất ở xứ tỷ dân.

Mức lương trung bình ước tính vào khoảng 2.931 USD/tháng vào năm 2022, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song, thị trường này đem đến nhiều áp lực. Nhiều công ty công nghệ được biết đến với văn hóa làm việc không lành mạnh, đặc biệt là "996" - làm việc 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần - điều từ lâu trở thành tâm điểm chỉ trích.

"Công việc thực sự áp lực, nhiều người đã rời khỏi ngành vì trầm cảm. Tôi dự định nghỉ việc trong 2 năm tới", Xiaotu nói.

Ngọc Linh

Ảnh: China Daily

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-tranh-gay-gat-de-kiem-viec-luong-cao-o-trung-quoc-post1299619.html