Cạnh tranh Mỹ-Trung: Phớt lờ những biện pháp hạn chế từ Washington, Bắc Kinh 'nhấn nút' chế độ mới cho ngành công nghiệp
Ngày 25/3, tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh, nền kinh tế lớn nhất châu Á cam kết đối xử với các công ty nước ngoài giống như các công ty trong nước nhằm thu hút thêm đầu tư, hợp tác và chuyên môn nước ngoài.
Tại Diễn đàn trên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Quách Đình Đình phát biểu: “Trung Quốc sẽ hoàn toàn bảo đảm chế độ đối xử quốc dân cho các doanh nghiệp nước ngoài, để ngày càng nhiều công ty nước ngoài có thể tự tin và yên tâm đầu tư vào Trung Quốc”.
Bà Đình không cung cấp thông tin chi tiết về cách Trung Quốc sẽ bảo đảm "chế độ đối xử quốc dân", tức là đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Trong nhiều năm qua, các công ty phương Tây đã phàn nàn về việc tiếp cận không bình đẳng tại Trung Quốc, một thị trường tiêu dùng rộng lớn đồng thời cũng là nhà cung cấp nguyên liệu thô và linh kiện toàn cầu. Các chính phủ phương Tây đã bày tỏ lo ngại về sức ép kinh tếvà đang cân nhắc giảm rủi ro bằng cách di dời chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc.
Việc Trung Quốc ban hành và mở rộng luật chống gián điệp, các lệnh cấm xuất cảnh và các cuộc kiểm tra đột xuất nhằm vào các công ty tư vấn và thẩm định pháp lý đã khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 8% vào năm ngoái.
Căng thẳng địa chính trị cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, nổi bật nhất là với Mỹ trên nhiều vấn đề, bao gồm mối lo ngại của Mỹ về việc chip và công nghệ AI của nước này có thể được sử dụng để nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc.
Phản hồi những lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề, cam kết bảo vệ quyền lợi của các công ty nước ngoài và mở rộng hơn sự gia nhập của họ vào thị trường Trung Quốc.
Bà Đình cho biết, Trung Quốc tiếp tục mở cửa các lĩnh vực công nghiệp và tài chính cấp cao, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội thị trường hơn, bảo vệ vững chắc hệ thống thương mại đa phương với cốt lõi là WTO.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh hạng nhất và chào đón các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đầu tư vào nước này.
Ông Stephen von Schuckmann, thành viên hội đồng quản trị và giám đốc điều hành của hãng chuyên sản xuất phụ tùng ôtô ZF Group, cho biết công ty đã cam kết với Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và bán xe điện.
Trong bài phát biểu được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CGTN) đăng tải, ông Stephen nhận định: "Bất kỳ lời lẽ cường điệu nào về việc chuyển hoạt động sản xuất hoặc tìm nguồn cung ứng đều không phải là điều chúng tôi theo đuổi. Chúng tôi đã đầu tư và sẽ tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc".
Ngày 25/3, ông Kim Tráng Long, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho biết, Trung Quốc sẽ hoàn toàn dỡ bỏ các hạn chế đối với việc đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất và tăng cường hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp từ tất cả các quốc gia.
Để tăng cường khả năng tự lực của ngành công nghiệp - trong bối cảnh Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tuyên bố sẽ nâng cấp chuỗi cung ứng sản xuất của mình thông qua đổi mới và cũng thông qua chuyên môn của các công ty nước ngoài.
Để củng cố khả năng tự chủ của ngành công nghiệp trong bối cảnh Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã cam kết nâng cấp chuỗi cung ứng sản xuất của mình thông qua đổi mới sáng tạo, đồng thời tận dụng chuyên môn của các công ty nước ngoài.
Ông Long cho biết: "Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hội nhập sâu giữa đổi mới khoa học công nghệ và đổi mới công nghiệp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D)".
Diễn đàn Phát triển Trung Quốc thường niên diễn ra từ ngày 24/3, với hơn 100 giám đốc điều hành và nhà đầu tư nước ngoài tham dự, trong đó có các công ty có chuỗi cung ứng sâu rộng tại Trung Quốc như Apple (AAPL.O) và Siemens (SIEGn.DE).
Vào đầu tháng 3, Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% cho năm nay và cam kết chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước để bù đắp những khó khăn từ khủng hoảng bất động sản kéo dài, nợ chính quyền địa phương cao và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Ngày 24/3, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva đã đưa ra các phân tích về sự phát triển hiện nay trên toàn cầu và ở Trung Quốc. Bà cho rằng, Trung Quốc đang đứng trước hai lựa chọn: có thể dựa vào các chính sách có hiệu quả trong quá khứ, hoặc tự tái tạo để bước vào một kỷ nguyên mới của tăng trưởng chất lượng cao.