Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc: Viễn cảnh 'Trân Châu Cảng trong không gian' liệu có thành hiện thực?

Nếu một cuộc chiến tranh không gian giữa Trung Quốc và Mỹ nổ ra ngày hôm nay, chưa chắc Washington sẽ giành chiến thắng. Phân tích của tạp chí Asia Times.

Một tên lửa 3B mang theo vệ tinh Beidou-3GEO3 cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 23/6/2020. (Nguồn: AFP/STR)

Một tên lửa 3B mang theo vệ tinh Beidou-3GEO3 cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 23/6/2020. (Nguồn: AFP/STR)

Mỹ sẽ bị "vượt mặt"?

Đô đốc Hải quân Mỹ John Aquilino gần đây đã xác nhận trước Quốc hội rằng, các lực lượng Washington được triển khai đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang bị các đối thủ Trung Quốc "vượt mặt".

Giới quan sát cho rằng, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu trên biển và trên bầu trời khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do đó, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến sẽ tạo thành mũi nhọn của Washington trong khu vực.

Các lực lượng quân sự này của Mỹ và các đồng minh của Washington sẽ yêu cầu quyền truy cập không hạn chế vào các hệ thống vệ tinh để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.

Gần 70% vũ khí của Quân đội Mỹ dựa vào vệ tinh để hoạt động. Do đó, nhóm vệ tinh quan trọng khác mà Trung Quốc có thể nhắm mục tiêu là chòm vệ tinh WGS.

Chòm vệ tinh GPS phổ biến khắp nơi là điều cần thiết cho việc di chuyển và triển khai các lực lượng của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực hoạt động có phạm vi rộng lớn như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngay cả các vệ tinh chỉ huy, điều khiển và liên lạc hạt nhân (NC3) được ca tụng của Mỹ cũng có thể bị phá hủy trong quỹ đạo đồng bộ, từ đó làm vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ.

Kế hoạch khiến Washington không thể tiếp cận các chòm vệ tinh quan trọng này sẽ là phần then chốt trong bất kỳ kế hoạch nào của Bắc Kinh nhằm chiếm giữ Biển Đông, Biển Hoa Đông hay tấn công Eo biển Đài Loan.

Viễn cảnh không gian xa vời

Một trận "Trân Châu Cảng trong không gian" sẽ khiến quân đội hùng mạnh của Mỹ tạm thời bị che mắt và rơi vào hoang mang.

Việc các lực lượng Mỹ bị "mù" tạm thời sẽ tạo ra cơ hội hiếm có cho Trung Quốc, giúp Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể đánh bại một quân đội Mỹ đang rối bời.

Và trong khi quân đội Mỹ cũng có kế hoạch tấn công các chòm vệ tinh của Trung Quốc, nếu một cuộc chiến tranh không gian như vậy nổ ra, thực tế là các lực lượng của Bắc Kinh không bị hoặc chưa phụ thuộc nhiều vào các vệ tinh như lực lượng Mỹ.

Thêm vào đó, các kế hoạch chiến tranh không gian của Mỹ đã trao cho Trung Quốc thế chủ động vô cùng quan trọng, bởi các lực lượng Mỹ sẽ đợi để bị tấn công trong không gian trước khi đáp trả tương xứng.

Điều này mang lại cho Bắc Kinh lợi thế bằng cách cho phép PLA leo thang trong một cuộc chiến tranh không gian, từ đó giúp Trung Quốc có được lợi thế trên bộ, trên biển, trên không và trong không gian mạng, ít nhất là trong một thời gian ngắn.

Mặc dù Mỹ có hệ thống đồng minh có năng lực trong khu vực, song họ cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một trận "Trân Châu Cảng trong không gian" do Trung Quốc đi đầu.

Chắc chắn các đồng minh trong khu vực của Mỹ sẽ ít hứng khởi hơn với việc chống lại lực lượng Trung Quốc mà không có sự hỗ trợ đáng tin cậy của Mỹ, so với khi quân đội Mỹ ở trạng thái chiến đấu tối ưu. Sự chần chừ của phương Tây khi đối mặt với sự xâm lược của Trung Quốc sẽ khiến họ gặp thất bại.

Hơn nữa, giới lãnh đạo của Trung Quốc biết rằng, họ không cần phải đánh bại hoàn toàn Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong một cuộc chiến.

Kịch bản tương lai

Các chuyên gia quân sự của Bắc Kinh cho rằng, họ đơn giản chỉ cần trì hoãn việc Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự để can thiệp chống lại các lực lượng của Trung Quốc đủ lâu để quân đội nước này đạt được hầu hết các mục tiêu chiến lược.

Trong kịch bản rất có thể xảy ra này, Bắc Kinh hy vọng rằng, Washington sẽ tìm kiếm một thỏa thuận được 2 bên thương lượng để tạo ra một mô hình khu vực mới mà trong đó Trung Quốc - chứ không phải Mỹ - sẽ là chủ thể nắm quyền chi phối.

Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ sử dụng chiến thắng trước các lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương làm đòn bẩy để giúp đạt được mục tiêu chính trị này.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải yêu cầu dành một ngân sách nhiều hơn cho Lực lượng Không gian còn non trẻ và phải kiên định học thuyết về phòng thủ vệ tinh cùng với sự thống trị toàn diện trong không gian, để ngăn chặn Trung Quốc hoặc bất kỳ kẻ thù nào khác thực hiện một trận "Trân Châu Cảng trong không gian".

Xét cho cùng, việc duy trì các khả năng vệ tinh của Mỹ trong thời bình sẽ dễ dàng hơn là cố gắng khôi phục chúng trong chiến tranh.

Nếu Mỹ tiếp tục để dễ dàng bị tấn công ở trong không gian - khu vực có tầm quan trọng chiến lược, một đối thủ mạnh như Trung Quốc có thể khai thác những điểm yếu này trong thời điểm xảy ra khủng hoảng địa chính trị. Khi đó, quân đội Trung Quốc có thể đánh bại quân đội Mỹ. Việc Trung Quốc đánh bại quân đội Mỹ sẽ giống như đóng thêm một chiếc đinh nữa vào chiếc quan tài chôn vùi vị thế siêu cường của Mỹ và báo trước sự xuất hiện của một trật tự thế giới do Trung Quốc dẫn dắt.

(theo Asia Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/canh-tranh-my-trung-quoc-vien-canh-tran-chau-cang-trong-khong-gian-lieu-co-thanh-hien-thuc-143020.html