Cảnh tượng 'như tận thế' lúc chiếc máy bay Mỹ cuối cùng rời Kabul

Pháo hoa, tiếng súng, mảnh vũ khí bị phá hủy trong đêm Mỹ chuẩn bị sơ tán những binh sĩ cuối cùng đã tạo nên một cảnh tượng kỳ ảo mà phi hành đoàn mô tả là cảnh 'tận thế'.

Khi phi hành đoàn của quân đội Mỹ chuẩn bị lên chuyến bay cuối cùng rời khỏi Afghanistan, bầu trời bừng sáng bởi pháo hoa và tiếng súng lẻ tẻ. Sân bay rải rác những mảnh vụn máy bay và vũ khí bị phá hủy, theo AP.

Các chiến binh Taliban, được nhìn thấy trong bóng tối qua khung cảnh nhuốm màu xanh lá cây của kính nhìn ban đêm, bước đến sân bay và vẫy tay chào tạm biệt. Tất cả tạo nên một cảnh tượng đầy kỳ quái.

Căng thẳng tột độ

Nằm trên đường băng của sân bay Kabul vào đêm 30/8 là 5 chiếc C-17 cuối cùng. Những chiếc máy bay này chuẩn bị cất cánh rời khỏi đất nước, đánh dấu sự kết thúc cho 20 năm can thiệp quân sự của Mỹ tại Afghanistan.

Trong những giờ cuối cùng, không còn hệ thống phòng thủ tên lửa nào để bảo vệ họ trên đường băng, và không có ai trong trung tâm kiểm soát không lưu để chỉ dẫn họ.

Trung tá Không quân Braden Coleman, người chịu trách nhiệm giám sát các mối đe dọa bên ngoài máy bay cho biết: “Cảnh tượng đó trông giống ngày tận thế”.

 Những binh sĩ chuẩn bị lên một trong những chiếc C-17 cuối cùng của quân đội Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ.

Những binh sĩ chuẩn bị lên một trong những chiếc C-17 cuối cùng của quân đội Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ.

“Cảnh tượng đó giống như một trong những bộ phim zombie khi tất cả các máy bay bị phá hủy, cửa bị mở, bánh xe bị hỏng. Một chiếc máy bay còn bị cháy. Bạn có thể nhìn thấy buồng lái và phần còn lại của chiếc máy bay trông như khúc xương cá”, ông cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 1/9 với AP, các thành viên của Phi đội Không vận Viễn chinh 816 của Không quân Mỹ, những người ở trên các chuyến bay đó đã kể chi tiết về những giờ phút cuối cùng của họ tại Afghanistan.

Mỹ đã chính thức rút quân khỏi Afghanistan. Đất nước này đã rơi vào tay lực lượng Taliban, kẻ thù mà Mỹ đã từng lật đổ trước đây.

“Tình hình chắc chắn rất căng thẳng. Chúng tôi đã dõi theo mọi thứ đang diễn ra để đảm bảo rằng chúng tôi đã sẵn sàng”, Đại úy Không quân Kirby Wedan, phi công của chiếc MOOSE81, cho biết.

Bà cho biết việc những chiếc máy bay của Mỹ đậu tại một khu vực đã từng bị tấn công tại sân bay càng làm gia tăng căng thẳng cho phi hành đoàn.

Vào một thời điểm trong đêm, một nhóm dân thường đã vào sân bay và cố gắng lên máy bay. Tuy nhiên, họ đã bị chặn lại bởi lực lượng đang bảo vệ chiếc máy bay, bà Wedan cho biết.

Ngay sau chiếc C-17 của bà là chiếc MOOSE92, nơi ông Coleman, chỉ huy hoạt động của Phi đội Không vận Viễn chinh 816, đang duyệt danh sách kiểm tra để cất cánh.

Trong hơn 3 giờ, họ đã duyệt qua khoảng 300 mục trong danh sách kiểm tra của mình một cách bài bản. Họ cần đảm bảo rằng họ mang theo tất cả quân đội và thiết bị của mình.

Từ Căn cứ Không quân Scott ở Illinois, tướng Jacqueline Van Ovost thuộc Bộ Tư lệnh Cơ động trên không, đã theo dõi qua màn hình khi máy bay xếp hàng để cất cánh. Bà có thể nghe thấy mệnh lệnh từ Trung tá Alex Pelbath, một phi công giữ vai trò chỉ huy cho chuyến xuất phát cuối cùng.

Từng chiếc C-17 được yêu cầu đóng lại thang lên máy bay. Sau khi nhận được lệnh của ông Pelbath, bà Wedan bắt đầu di chuyển chiếc C-17 của mình xuống đường băng.

“Điều này thực sự rất khác. Tôi chưa bao giờ đến sân bay mà tôi không nhận được sự cho phép cất cánh”, bà Wedan nói, đề cập đến sự vắng mặt của nhân viên kiểm soát không lưu.

Những giây phút nhẹ nhõm

Khi từng chiếc máy bay lần lượt cất cánh, những binh sĩ Mỹ reo hò trong vui sướng. Hầu hết trong số họ là lực lượng đặc biệt và binh sĩ từ Sư đoàn nhảy dù 82.

Bà Wedan cho biết: “Đó là một sự nhẹ nhõm có thể nhìn thấy được”.

“Họ đã làm việc rất chăm chỉ. Nhiều người trong số họ đã không tắm trong vài tuần. Tất cả họ đều rất mệt mỏi. Họ cảm thấy nhẹ nhõm khi được ra khỏi đó và hoàn thành nhiệm vụ”, bà cho biết.

 Thiếu tướng Chris Donahue được chụp ảnh qua ống nhìn ban đêm trong lúc bước lên chiếc máy bay C-17 cuối cùng của Mỹ rời khỏi Kabul ngày 30/8. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Thiếu tướng Chris Donahue được chụp ảnh qua ống nhìn ban đêm trong lúc bước lên chiếc máy bay C-17 cuối cùng của Mỹ rời khỏi Kabul ngày 30/8. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Khi chiếc C-17 cuối cùng rời khỏi không phận Kabul, ông Pelbath đã gửi một thông điệp chào mừng: “MAF Safe” với ý nghĩa “Lực lượng Cơ động trên không đã ra khỏi cung đường nguy hiểm".

Thiếu tướng Chris Donahue, chỉ huy Sư đoàn nhảy dù 82 của Lục quân Mỹ, là người cuối cùng lên máy bay rời Afghanistan. Ông đã phụ trách an ninh cho nhiệm vụ sơ tán. Ngay sau khi máy bay cất cánh, ông Donahue đã nhắn nhủ với binh sĩ rằng “Làm tốt lắm, tôi tự hào về mọi người”.

Những binh sĩ Mỹ kiệt sức đã tìm chỗ ngủ sau khi chen chúc trên sàn máy bay. Bà Wedan nói: “Mọi người gần như ngồi lên nhau. Bất cứ điều gì chúng tôi có thể làm là để họ lên máy bay và đưa họ ra ngoài".

Bà cho biết trong vòng 30 phút, hầu hết mọi người trên máy bay đều đã ngủ.

Chuyến bay của họ đến Kuwait kéo dài khoảng 4 giờ.

“Mọi người đã hoàn thành nhiệm vụ sơ tán 124.000 người ra khỏi Afghanistan trong vòng chưa đầy ba tuần. Tôi không thể tự hào hơn khi được trở thành phi công C-17”, ông Coleman, người nhập ngũ vào năm 2001 sau vụ khủng bố 11/9/2001 cho biết.

Vân Đinh

Theo AP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-tuong-nhu-tan-the-luc-chiec-may-bay-my-cuoi-cung-roi-kabul-post1258367.html