Cảnh xuống cấp, quá tải ở Bệnh viện Bạch Mai
Sau hai năm tự chủ toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính, không thể cải tạo, xây mới, mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ảnh hưởng việc điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện Bạch Mai là một trong 4 bệnh viện trên cả nước thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Sau 2 năm áp dụng, do tác động từ các vụ án... bệnh viện này lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính, không thể cải tạo, xây mới, mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ảnh hưởng việc điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện Bạch Mai được thành lập năm 1911, là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, tuyến cuối tại miền Bắc. Bệnh viện có 4.300 nhân viên, trung bình tiếp nhận 5.000-5.500 bệnh nhân nội trú, 6.000-7.000 bệnh nhân khám một ngày.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 3 năm qua, bệnh viện chật vật, nhiều khó khăn để duy trì khám chữa bệnh cho người dân. Không nói đến 2 năm dịch bệnh (năm 2020, 2021), ngay cả trong năm 2022, khi số bệnh nhân nội trú, ngoại trú tăng đột biến, nguồn thu cũng rất hạn hẹp, không đủ để chi trả giữ chân người giỏi. Việc đầu tư trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất lại càng không thể.
PGS.TS Đỗ Duy Cường làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới cho biết, tòa nhà xuống cấp, trang thiết bị máy móc, vật tư thiếu thốn khiến bệnh nhân chịu thiệt, còn các bác sĩ gồng sức ra làm. "Do thiếu kit test, một số xét nghiệm thông thường để chẩn đoán ký sinh trùng cũng phải gửi ra ngoài thực hiện". Đang vào cao điểm dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Nhiệt đới của bệnh viện luôn trong trình trạng quá tải. Một phòng khoảng 15m2 kê 6 giường, thậm chí phòng điều trị bệnh nhân viêm gan nay phải trưng dụng, nằm ghép với bệnh nhân sốt xuất huyết, không đảm bảo cách ly.