Canifa trước khi bị 'nhắc tên' chậm đóng BHXH: Kinh doanh thua lỗ triền miên, vốn chủ sở hữu âm nặng

Doanh thu khá lớn nhưng nhiều năm qua Canifa lại thua lỗ triền miên, từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ mỗi năm. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của công ty âm nặng.

Chậm đóng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội vừa công bố danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên cho người lao động. Trong đó, CTCP Canifa chậm đóng bảo hiểm 1,95 tháng, với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Danh sách được BHXH TP Hà Nội công bố dựa trên số liệu nợ tính đến hết ngày 31/3/2025 theo C12-TS lấy ngày 10/4/2025. Tổng cộng có 33.330 đơn vị chậm đóng BHXH, thể hiện thực trạng đáng lo ngại về việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.

Thương hiệu thời trang Canifa chính thức ra đời từ năm 2001, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Canifa đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc tại Việt Nam. Theo thông tin giới thiệu trên website, Canifa hiện đang có hệ thống 110 cửa hàng trên khắp toàn quốc.

Dù thương hiệu có mặt từ rất sớm nhưng phải đến tháng 9/2016, CTCP Canifa tiền thân là Công ty TNHH Hoàng Dương, mới được thành lập. Địa chỉ trụ sở chính đặt tại số 688, đường Quang Trung, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Đại diện pháp luật là bà Đoàn Thị Bích Ngọc (SN 1976). Tại ngày 13/6/2024, doanh nghiệp có vốn điều lệ ở mức 250 tỷ đồng, tương đương 25 triệu cổ phần.

Việc các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội. BHXH TP Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục công khai danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm và có biện pháp xử lý theo quy định để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Thua lỗ triền miên, âm nặng vốn chủ sở hữu

Là một thương hiệu lâu năm trên thị trường, không bất ngờ khi doanh thu mỗi năm của Canifa lên đến cả nghìn tỷ. Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 1.450 tỷ đồng, nhích nhẹ 2% so với năm trước và là mức cao nhất trong nhiều năm. Trong 5 năm giai đoạn 2019-2023, chỉ duy nhất năm 2020, doanh thu của công ty xuống dưới nghìn tỷ.

2020 cũng là năm Canifa ghi nhận khoản lỗ nặng gần 200 tỷ đồng, sâu nhất trong nhiều năm. Dù doanh thu khá lớn nhưng nhiều năm qua công ty này lại thua lỗ triền miên. Khoản lỗ mỗi năm vào khoảng vài chục tỷ đồng. 5 năm qua, Canifa lỗ ròng tổng cộng gần 500 tỷ dù làm ra đến hơn 6.200 tỷ đồng doanh thu.

Thua lỗ triền miên ăn mòn hết vốn của Canifa. Công ty âm vốn chủ sở hữu từ năm 2020 khi lỗ nặng. Từ đó trở đi, khoản âm vốn chủ sở hữu ngày càng bị đào sâu. Đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Canifa âm hơn 270 tỷ đồng. Tình trạng này khiến công ty phải gia tăng các khoản nợ để bù đắp.

Những năm qua nợ phải trả của công ty thường xuyên duy trì trên 1.450 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2023, nợ phải trả của Canifa lên đến gần 1.850 tỷ đồng, tăng 100 tỷ so với đầu năm và là mức cao nhất trong nhiều năm. Tổng tài sản tại ngày 31/12/2023 của công ty ở mức 1.600 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với thời điểm cuối năm 2019.

Quỳnh Chi

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/canifa-truoc-khi-bi-nhac-ten-cham-dong-bhxh-kinh-doanh-thua-lo-trien-mien-von-chu-so-huu-am-nang-82576.html