Cao Bằng: Chuyển đổi số, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn đang là bài toán khó.

Đến nay, tỉnh Cao Bằng có 97 sản phẩm OCOP, với 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm sản xuất theo quy mô hàng hóa, có mặt trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước và đảm bảo cho xuất khẩu.

Cao Bằng: Chuyển đổi số, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Cao Bằng: Chuyển đổi số, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Đáng chú ý, thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP ngày càng thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của người tiêu dùng… Tận dụng điều đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể đã nắm bắt cơ hội phát triển sản phẩm và gắn kết được thị trường tiêu thụ. Sản phẩm OCOP có khả năng nhận diện thương hiệu tốt hơn, sức cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm OCOP tốt hơn. Nhờ đó mà giá trị các sản phẩm OCOP ít nhiều đã được nâng lên.

Câu chuyện sản phẩm lục trà và hồng trà của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng là một ví dụ. Mặc dù mới có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao nhưng từ trước đó, sản phẩm đã xuất khẩu đi một số thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Australia. Với quy trình sản xuất hữu cơ khép kín từ nguyên liệu đầu vào tới quá trình chế biến, chất lượng là yếu tố khách hàng lựa chọn và sử dụng sản phẩm. Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Kolia Cao Bằng - cho biết, doanh nghiệp sẽ phấn đấu để đạt danh hiệu sản phẩm OCOP 5 sao trong 1 – 2 năm nữa, từ đó khẳng định được thương hiệu của chè Kolia Cao Bằng.

Tương tự, lạp sườn, thịt hun khói của HTX Tâm Hòa là 2 sản phẩm OCOP 4 sao đã tạo được vị thế vững chắc trên thị trường từ hàng chục năm trở lại đây. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị này đã sản xuất và tiêu thụ được trên 10 tấn lạp sườn, trên 9 tấn thịt xông khói, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng. Từ khi sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao năm 2020 và được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2022 đã góp phần đưa doanh thu của HTX ngày càng tăng so với các năm trước đây.

Bà Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc HTX Tâm Hòa - chia sẻ, để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã của một sản phẩm OCOP 4 sao những năm gần đây HTX đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất. Tuy nhiên, HTX vẫn giữ nguyên một số công đoạn hoàn toàn bằng thủ công truyền thống để tạo nên sản phẩm chất lượng với hương vị đặc trưng. Nhờ vậy, đến nay sản phẩm lạp sườn, thịt xông khói của HTX xuất hiện trên kệ của hơn 200 siêu thị và các cửa hàng tiện ích trên cả nước.

Bên cạnh một số sản phẩm OCOP đã phát triển và gắn kết được thị trường tiêu thụ ổn định thì vẫn còn nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP chưa phát huy được giá trị.

Nhiều sản phẩm vẫn chỉ sản xuất ở mức độ quy mô nhỏ, chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, mặc dù sản phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Thậm chí một số cơ sở đã dừng sản xuất sản phẩm.

Nguyên nhân do tâm lý các chủ thể sản xuất vẫn còn trông chờ vào các nguồn hỗ trợ Nhà nước và cộng đồng nên hoạt động sản xuất, kinh doanh không có tính đột phá để thích ứng với nhu cầu thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất, thậm chí là cả doanh nghiệp còn có tư tưởng ngại thay đổi khi thực hiện các thủ tục theo điều kiện và yêu cầu của Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.

Một số sản phẩm đặc sản được công nhận OCOP đã có cơ hội tiếp cận đến các thị trường ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do điều kiện của cơ sở sản xuất còn hạn chế, quy mô vùng nguyên liệu còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng của siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn. Năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp, HTX và các chủ thể còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ; các phương tiện quảng bá như website, mạng xã hội, các trang bán hàng online… ít được sử dụng.

Cùng với yếu tố từ các chủ thể, nguyên nhân khiến các sản phẩm OCOP chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh còn do bộ máy triển khai thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu là kiêm nhiệm nên hiệu quả tư vấn, hướng dẫn cho các đơn vị sản xuất định hướng phát triển và hoàn thiện sản phẩm chưa cao; một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa; sự tham gia gắn kết trong phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị sản phẩm còn lỏng lẻo, dễ bị đứt gãy khi có sự biến động về thị trường.

Để chương trình OCOP phát triển trong thời giai tới, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng cần đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả về nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể, người dân và các đơn vị phân phối. Trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP theo hình thức trực tuyến và trực tiếp để đưa sản phẩm gần hơn với người tiêu dùng.

Về phía bản thân các chủ thể cần đẩy mạnh công tác quảng bá, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP trên thị trường, chuẩn hóa phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cao-bang-chuyen-doi-so-tim-dau-ra-on-dinh-cho-san-pham-ocop-279684.html