Cao Bằng còn lúng túng trong giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719
Chương trình MTQG 1719 tích hợp nhiều nội dung, trong khi lực lượng cán bộ chuyên môn ở Cao Bằng còn mỏng, thiếu chuyên môn sâu nên việc tham mưu, triển khai còn lúng túng, chưa kịp thời.
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng được phân bổ gần 1.100 tỷ đồng vốn sự nghiệp Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (bao gồm cả nguồn chuyển tiếp của năm 2022) nhưng đến cuối tháng 12/2023, tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 12%.
Các hạng mục chậm giải ngân có thể kể đến như: Tiểu dự án 1, Dự án 9 hạng mục cho vay vốn ưu đãi khoảng 110 tỷ đồng, hiện vẫn chưa thể thực hiện do chờ hướng dẫn.
Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực có tổng vốn 50 tỷ đồng, hiện cũng khó giải ngân do nhu cầu đăng ký đào tạo của đồng bào rất thấp và không đủ giáo viên cơ hữu.
Còn với Tiểu dự án 1, Dự án 3 về Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững có tổng vốn khoảng 50 tỷ đồng cũng sẽ không thể giải ngân hết do nhu cầu đăng ký trồng rừng thấp, một số nội dung còn thiếu hướng dẫn.
Riêng nội dung phát triển cây dược liệu, tỉnh Cao Bằng giao huyện Nguyên Bình chủ trì, hiện mới triển khai lựa chọn đơn vị liên kết, nhiều khả năng phải chuyển nguồn sang năm 2024.
Nguyên nhân của việc chậm giải ngân là do phải đợi hướng dẫn từ cấp trên. Năm 2023, tỉnh có giao vốn về nhưng chưa có văn bản hướng dẫn các khoản chi ra sao, đối tượng như nào, được định mức bao nhiêu… Do chưa có hướng dẫn nên nhiều đơn vị đến tháng 10/2023 mới xây dựng xong kế hoạch, chỉ còn 2 tháng cuối năm triển khai thực hiện, thời gian rất ngắn.
Ngoài ra trong công tác chỉ đạo điều hành một số đơn vị còn chưa quyết liệt, đặc biệt là năng lực cán bộ triển khai còn hạn chế, nhất là ở cấp xã. Hiện nay, Chương trình MTQG tích hợp nhiều nội dung, trong khi lực lượng cán bộ chuyên môn cấp xã còn mỏng, thiếu chuyên môn sâu nên việc tham mưu, triển khai còn lúng túng, chưa kịp thời.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, giai đoạn tiếp theo cần có cụ thể hướng dẫn chi tiết kèm theo ngay quyết định giao vốn, để cấp xã triển khai cụ thể, nhanh chóng hơn.
Đồng thời, năm 2024 với phân bổ chỉ tiêu cần có điều chỉnh, nội dung nào năm 2023 đã không có còn đối tượng nên điều chuyển sang nội dung khác có thể thực hiện. Phải khẩn trương triển khai ngay từ đầu năm sau khi phân bổ nguồn vốn, bởi năm tới áp lực sẽ rất lớn do ngoài vốn của năm 2024 sẽ còn cả phần chuyển nguồn 2023 sang.
Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã theo hướng cầm tay chỉ việc, nội dung nào chưa nắm vững phải kịp thời hướng dẫn ngay khi bước vào năm ngân sách tiếp theo.