Cao Bằng đẩy mạnh thu hút, hợp tác đầu tư vào du lịch
Tỉnh Cao Bằng thuộc vùng du lịch trung du và miền núi phía Bắc, có trên 333km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại. Tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, đa dạng, được ví như 'viên ngọc xanh' của vùng Đông Bắc Việt Nam.
Nhận thức đúng tiềm năng, thế mạnh, Cao Bằng xác định từng bước đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù về thu hút đầu tư, phát triển du lịch phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, những năm qua ngành du lịch địa phương đạt được bước tiến vượt bậc, tạo tiền đề vững chắc cho sự bứt phá thời kỳ mới. Giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XIX xác định phát triển du lịch - dịch vụ bền vững là một trong ba nội dung đột phá phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Miền non nước Cao Bằng tự hào là vùng đất cổ với bề dày lịch sử, văn hóa, có hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc cùng với thiên nhiên ưu ái, tô điểm trên vùng đất ngàn năm văn vật đã hình thành quần thể di sản văn hóa hơn 200 di tích, trong đó 96 di tích được xếp hạng (tiêu biểu: 3 di tích Quốc gia đặc biệt, 2 bảo vật Quốc gia); 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, với những giá trị nổi bật về di sản văn hóa, địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, được đánh giá cao và có giá trị quốc tế, Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu vào tháng 4/2018 đã mở ra cơ hội, triển vọng mới cho phát triển du lịch.
Thêm vào đó, Cao Bằng có nhiều lợi thế hình thành các vùng trồng cây đặc sản và nổi tiếng nhiều đặc sản, đặc trưng với văn hóa ẩm thực độc đáo.
Những năm qua, với sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, bức tranh thu hút đầu tư vào du lịch của Cao Bằng đã có nhiều khởi sắc. Giai đoạn 2016-2020, Cao Bằng đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các công trình trọng điểm về du lịch và hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tổ chức một số sự kiện lớn nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư du lịch, tiêu biểu như: Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào tháng 11/2018, trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với số vốn đăng ký gần 3.300 tỷ đồng, ký biên bản ghi nhớ đầu tư với 16 nhà đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư trên 25.200 tỷ đồng, trong đó có đầu tư vào lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Công tác xúc tiến du lịch có nhiều thay đổi rõ rệt, hình ảnh về miền đất con người non nước Cao Bằng được tuyên truyền quảng bá bằng nhiều hình thức, bước đầu thu hút được du khách và các nhà đầu tư đến với Cao Bằng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối các tour tuyến du lịch. Trong năm 2019, tỉnh Cao Bằng đăng cai và tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO tại Cao Bằng, với sự tham gia của tổ chức UNESCO, đại diện Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Âu, châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia, diễn giả và các CVĐC toàn cầu trong mạng lưới như: Tanzania, Iran, Thái Lan và Hàn Quốc... Cùng với đó, CVĐC Non nước Cao Bằng đã ký kết hợp tác, kết nghĩa với các CVĐC trong mạng lưới: Haute-Provonce, Pháp (năm 2018) và Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (năm 2019). Các sự kiện trên được đánh giá cao và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh hoạt động xúc tiến du lịch, việc xây dựng các chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nói chung, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch nói riêng được tỉnh quan tâm. Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng xác định mục tiêu phát huy mạnh mẽ nội lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành hành chính; xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá, khác biệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các nguồn lực đầu tư vào Cao Bằng, sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng hợp tác đối ngoại, xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển nhanh và bền vững.
Riêng trong lĩnh vực du lịch, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP; khuyến khích, ứng dụng công nghệ số kết hợp và hỗ trợ các hãng công nghệ trong và ngoài nước trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Cao Bằng. Xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc, với mục tiêu xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới; du lịch xanh, du lịch thông minh là những sản phẩm mới lạ, độc đáo, bản sắc và hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đồng thời, xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về “Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng” nhằm tạo cơ chế, chính sách bảo tồn văn hóa, phát huy các giá trị truyền thống, nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, đồng thời hỗ trợ người dân trực tiếp tham gia phát triển du lịch cộng đồng - một trong những thế mạnh về du lịch địa phương, hiện nay.
Cao Bằng hiện nay đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển một điểm đến. Miền non nước với cảnh quan kỳ vỹ, nét văn hóa rực rỡ sắc màu là điểm đến lý tưởng cho sự lựa chọn của du khách. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó đạt 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch (lưu trú, lữ hành, vé tham quan) đạt trên 1.400 tỷ, Đảng bộ, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch theo định hướng bền vững, bao trùm gắn liền với công tác bảo tồn văn hóa, tri thức bản địa, mang lại lợi ích cho cộng đồng; quyết tâm xây dựng hình ảnh, khẳng định thương hiệu, vị thế du lịch Cao Bằng tại thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cao-bang-day-manh-thu-hut-hop-tac-dau-tu-vao-du-lich-168094.html