Cao Bằng: Giảm nghèo là trách nhiệm, tâm huyết của chính quyền và người dân
Nhờ sự chung tay của chính quyền và người dân, công tác giảm nghèo của tỉnh Cao Bằng đã đạt được những kết quả tích cực trong những năm gần đây.
Kết quả tích cực về giảm nghèo
Tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ giảm nghèo đồng bộ trên toàn tỉnh, mang lại những đổi thay tích cực. Đặc biệt là hiệu quả từ việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội.
Tại huyện Hà Quảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân thông qua tín dụng chính sách và khuyến khích phát triển nông nghiệp. Giai đoạn 2021-2023, hơn 10.000 lượt hộ nghèo tại huyện đã được vay vốn tín dụng với tổng dư nợ hơn 180 tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình trồng cây thuốc lá và cây ngô giống mới cũng đang được triển khai rộng rãi, giúp người dân cải thiện năng suất và tăng thu nhập.
Ông Hoàng Văn Tâm (xã Cải Viên, huyện Hà Quảng), là một trong những người thực hiện tốt mô hình phát triển chăn nuôi bò và trâu, chia sẻ: “Nhờ khoản vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách, gia đình tôi đã xây dựng được chuồng trại và nuôi 10 con bò. Hiện nay, thu nhập từ bán bò đã giúp chúng tôi thoát nghèo.”
Trong những năm qua, huyện Bảo Lạc nổi bật với chương trình trồng trúc sào và phát triển rừng kinh tế. Hiện tại, toàn huyện đã có hơn 320 ha trúc sào được trồng, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.
Bà Nông Thị Mai (xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc) cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu trồng trúc từ năm 2020 với sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật từ chính quyền. Đến nay, thu nhập từ trúc đã giúp chúng tôi sửa lại nhà và cho con cái đi học.”
Chương trình hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn cũng được đẩy mạnh, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, huyện Bảo Lạc cũng thực hiện hỗ trợ xây dựng cho hơn 1.000 hộ dân xóa nhà tạm, dột nát, góp phần thay đổi đời sống người dân.
Địa phương vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Cao Bằng là huyện Bảo Lâm cũng đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ. Chủ trương phát triển các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây ăn quả như cam, quýt và hồng không hạt. Chương trình hỗ trợ giống cây trồng và kỹ thuật chăm sóc đã giúp hơn 500 hộ dân tại đây nâng cao năng suất.
Ông Trần Văn Hải, một hộ dân ở xã Lý Bôn có thu nhập cao hơn nhờ liên kết sản xuất, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng ngô và lúa nương, thu nhập không đủ sống. Từ khi tham gia mô hình trồng cam liên kết với hợp tác xã, chúng tôi có đầu ra ổn định và thu nhập tăng gấp 2, 3 lần.”
Ngoài ra, huyện Bảo Lâm xây dựng kế hoạch mở rộng các vùng sản xuất tập trung, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm thu nhập.
Thực trạng và giải pháp giảm nghèo ở Cao Bằng
Trong những năm qua, nhiều huyện trong tỉnh Cao Bằng đã xác định được lợi thế của địa phương và bước đầu khai thác hiệu quả. Từng bước hình thành vùng chuyên canh trồng, chế biến cây trồng, hoặc phát triển kinh tế tập trung (du lịch).
Có thể kể đến: Huyện Nguyên Bình phát triển du lịch (khu vực Phja Đén), trồng cây trúc sào, trồng và chế biến dong riềng; huyện Trùng Khánh phát triển du lịch (du lịch thác Bản Giốc, dịch vụ homestay), trồng cây hạt dẻ và chăn nuôi; huyện Thạch An chuyên canh cây thạch đen, thuốc lá và cây ngô…
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh Cao Bằng giảm tỷ lệ hộ nghèo là 12,32%, bình quân mỗi năm giảm ở mức 4,11%. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn hơn 24,7%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo của tỉnh bình quân giảm 5,65%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,21%.
Dự kiến đến hết năm 2024 (kết quả thống kê chưa công bố), tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm hơn 4%, đạt mục tiêu của tỉnh đề ra. Tuy nhiên, Cao Bằng vẫn nằm trong tốp 3 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.
Trong giai đoạn 2021-2024, tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại Cao Bằng là 1.560 tỷ đồng, trong đó năm 2024 được phân bổ 275 tỷ đồng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông hạn chế và địa hình chia cắt đang gây khó khăn cho các nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, giảm nghèo không chỉ là mục tiêu kinh tế - xã hội, mà còn là trách nhiệm và tâm huyết của toàn bộ chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Nhằm duy trì và mở rộng kết quả đạt được, Cao Bằng đề ra một số định hướng chiến lược cho giai đoạn 2025-2030. Trọng tâm là đầu tư hạ tầng giao thông, tiếp tục ưu tiên nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên xóm, đặc biệt tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Nguyên Bình… qua đó nhằm giảm bớt sự cách trở địa lý.
Đa dạng hóa sinh kế, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp và lâm nghiệp để người dân canh tác theo hướng hàng hóa, vùng sản xuất… Từ đó tạo thêm việc làm và ổn định thu nhập cho người dân.
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, tăng cường các chương trình hỗ trợ học sinh nghèo, đồng thời mở rộng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế của địa phương. Mục đích là tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với thị trường và phát huy được lợi thế của từng vùng.
Tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm tới việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xem đây là giải pháp để đẩy nhanh công tác giảm nghèo. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và triển khai các chương trình giảm nghèo giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực hỗ trợ.