Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Tập trung sửa đổi, hoàn thiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo là hơn 10% thì lĩnh vực tiết kiệm năng lượng phải phát triển vượt bậc.
Chiều 9/1, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã tham dự và có chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị.
Hoàn thiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, ông Đặng Hải Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - cho biết: Trong năm 2024, các nhiệm vụ và hoạt động đã được Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững triển khai hiệu quả, đúng kế hoạch đề ra. Mặc dù vậy, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, hoạt động.
Trong đó, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu thuộc Chương trình Chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU cho hợp phần sử dụng hiệu quả năng lượng (khoảng 50 triệu Euro) đã hoàn tất thủ tục đàm phán nhưng đến hết năm 2024 vẫn chưa được sử dụng do những vướng mắc về cơ chế tài chính. Các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ hoạt động đầu tư tiết kiệm năng lượng, các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và tiết kiệm điện nói riêng hầu như chưa có.
Bên cạnh đó, theo ông Đặng Hải Dũng, việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, về sản xuất và tiêu dùng bền vững chưa đạt được mục tiêu làm cải thiện hành vi của mọi đối tượng trong xã hội.
“Do ảnh hưởng của tình hình sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, cuộc khủng hoảng năng lượng, khó khăn nói chung của các doanh nghiệp nên các hoạt động đầu tư, triển khai giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại doanh nghiệp còn rất hạn chế”, ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, đối với lĩnh vực phát triển bền vững còn một số khó khăn như: Nguồn kinh phí triển khai Chương trình còn hạn chế, nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững còn hạn chế; khung pháp lý trong lĩnh vực phát triển bền vững nói chung và lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững còn hạn chế và thiếu dẫn đến khó các địa phương không thu xếp nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động tại địa phương.
Đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu: Giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu vết carbon trong các ngành công nghiệp đang là xu thế chung của toàn cầu. Trong tiến trình thưc hiện cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và kết quả Hội nghị COP26, xuất hiện nhiều vấn đề quốc tế mới như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM), chính sách định giá phát thải carbon, các cơ chế mua bán, trao đổi tín chỉ carbon, nhãn dấu vết carbon dự báo sẽ tác động đến các hoạt động kinh tế bao gồm các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa phát thải carbon thấp tại các thị trường lớn trên thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Tuy nhiên, nhận thức của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế về các vấn đề trên vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt các quy đinh pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu mới được xây dựng và ban hành sẽ cần thời gian để đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thực thi cam kết về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam”, ông Đặng Hải Dũng bày tỏ.
Bên cạnh đó, về phương hướng, nhiệm vụ thực hiện năm 2025, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho hay: Về lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Vụ sẽ tiếp tục chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để trình Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2025. Trong đó tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất thông qua việc xây dựng Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường quản lý giám sát nhằm giảm tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp.
Chủ trì nghiên cứu, rà soát Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 về hướng dẫn thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Xem xét đề xuất xây dựng các thông tư về định mức tiêu thụ năng lượng cho ngành giấy, và thép, Thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quyết định thay thế Quyết định 04/2017/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện…
Về lĩnh vực phát triển bền vững, theo ông Đặng Hải Dũng, triển khai các nhiệm vụ năm 2024 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm các nội dung chủ yếu: Tập trung vào việc cải thiện các vấn đề tài chính để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật vào các ngành hàng có tỉ trọng xuất khẩu như dệt may, da giầy, nhựa, điện tử, bao bì… trước các quy định của thị trường liên quan đến kinh tế tuần hoàn, quy định xanh, hộ chiếu sản phẩm bền vững. Xây dựng và hình thành mạng lưới phát triển bền vững nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đối với các yêu cầu của thị trường trong triển khai các giải pháp bền vững của doanh nghiệp…
Về lĩnh vực ứng phó với bến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thông tin: Vụ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Cụ thể, tiếp tục triển khai Kế hoạch năm 2025 khi được cấp kinh phí và xây dựng, đăng ký Kế hoạch thực hiện năm 2026; Triển khai nhiệm vụ đơn vị thường trực Ban Thư ký JETP tại Bộ Công Thương; Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 38/2023/TT-BCT ngày 27/12/2024 của Bộ Công Thương quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương…
Đặc biệt, tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương cho các đối tượng liên quan và phổ biến những vấn đề mới tại COP29.
Tiết kiệm năng lượng: Động lực tăng trưởng kinh tế
Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đề ra trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao kết quả đạt được của Vụ trong năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về nhân sự. “Thay mặt lãnh đạo Bộ xin biểu dương và đánh giá cao các kết quả đạt được của Vụ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, tiết kiệm năng lượng là vấn đề khó bởi vì cần điều chỉnh hành vi con người, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chủ yếu vẫn dừng ở việc khuyến khích. Tuy nhiên, Thứ trưởng đánh giá, Vụ đã rất nỗ lực đề ra hướng đi phù hợp thông qua hợp tác với các đơn vị trong Bộ và các đối tác quốc tế.
“Nửa đầu năm 2025 là rất quan trọng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và ban hành các nghị định liên quan. Đây sẽ là công cụ chính sách có tác động lớn đến kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Do đó, cần tập trung nhân lực, nguồn lực, trí tuệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ này”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long lưu ý.
Ngoài ra, Thứ trưởng cho biết, chúng ta đang bước vào những tháng cuối năm trong bối cảnh chung cả nước đang nỗ lực phấn đấu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ niệm vươn mình của dân tộc, khi tư duy từ cấp cao nhất là “cởi trói”, tạo điều kiện thuận lợi... Hơn ai hết chính là Bộ Công Thương, nơi mà nắm giữ hơn 70% GDP của đất nước, nơi từng quyết sách, từng chính sách sẽ tác động sâu rộng và trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân và xã hội. Như vậy, trong bối cảnh bước sang năm 2025, với tư duy mới thì cách thức, nội dung, bước đi cũng phải quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn.
“Nếu đất nước vươn mình với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 ít nhất là 8% trở lên và những năm tiếp theo là hơn 10% thì lĩnh vực tiết kiệm năng lượng phải phát triển vượt bậc”, Thứ trưởng cho biết.
Đồng thời, Thứ trưởng nhận định, tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện hiệu quả là lĩnh vực rất tiềm năng, nếu làm tốt sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn. Thứ trưởng mong rằng, Vụ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để đưa ra những quyết sách thực sự mang tính đột phá, trước hết thể hiện qua việc sửa luật và ban hành nghị định mới. Bên cạnh đó, Vụ cũng đã làm tốt và đang triển khai rất nhiều chương trình hợp tác với các dự án.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra hạn chế do một số đầu việc lớn của Vụ lại không chủ trì nên phụ thuộc vào các đơn vị bên ngoài. “Nếu lĩnh vực nào được phân công mà chúng ta nghiên cứu chuyên sâu thì vẫn có thể làm được, chúng ta vẫn có thể biến cái đó thành của chúng ta”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về công tác tổ chức cán bộ, Thứ trưởng mong muốn Vụ cần tiếp tục duy trì và củng cố đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị. Thứ trưởng cũng đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, như tập trung vào các dự án hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác truyền thông và nghiên cứu các mô hình mới như chuyển đổi xanh…
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, sẽ sớm có báo cáo cụ thể.
Tính đến hết năm 2024, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã cơ bản đạt các tiến độ các hoạt động đề ra. Đối với việc trình các văn bản lên các cấp có thẩm quyền, tiến độ thực hiện các hoạt động chuyên môn và các dự án hợp tác quốc tế đã hoàn thành theo như kế hoạch đề ra.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: