Cao Bằng tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên kỳ tích mùa xuân 1975 - Bài 13
Bài 13: Phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân 1975 trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước tưng bừng, hân hoan bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước thống nhất cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Với tinh thần, khí thế 30/4/1975, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng (Cao Lạng) phấn khởi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV thông qua với mục tiêu là: Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, hình thành bước đầu cơ cấu kinh tế mới; cải thiện đời sống nhân dân. Thực hiện quyết định của Quốc hội khóa V, kỳ họp thứ hai, Cao Bằng hợp nhất với Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng. Sau khi hợp nhất, Tỉnh ủy Cao Lạng chỉ đạo sáp nhập, kiện toàn các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể. Thống nhất sự lãnh đạo, trụ sở tỉnh Cao Lạng đặt tại thị xã Cao Bằng. Các cơ quan, đơn vị khẩn trương lo sắp xếp, bố trí công việc, nhanh chóng ổn định để hoạt động trong hệ thống tổ chức mới.
Năm 1976, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Cao Lạng, một trong những nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất. Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thất thường, hạn hán kéo dài, Đảng bộ và chính quyền các cấp quan tâm sâu sát chỉ đạo nhân dân trong tỉnh tập trung làm thủy lợi, khai hoang phục hóa mở rộng diện tích canh tác, thực hiện thâm canh tăng vụ, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Nhờ đó, sản xuất lương thực, chăn nuôi phát triển ổn định. Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tỉnh quan tâm đầu tư củng cố và phát triển các ngành điện năng, cơ khí, vật liệu xây dựng, cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm, khai thác chế biến gỗ, sành sứ, thủy tinh, dệt may, nhuộm, xí nghiệp in. Các lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư và thu được những kết quả đáng kể trong khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Cũng vào thời điểm đó, từ giữa năm 1975 - 1976, ngay trong khi ta tiến hành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bọn Khme Đỏ đã gây hấn vùng biên giới Tây - Nam nước ta, chúng tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy làng mạc, giết hại dã man hàng nghìn thường dân. Đặc biệt từ năm 1977 - 1978, chúng mở các đợt tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới Tây - Nam nước ta gây nên những tổn thất nặng nề. Mặc dù phía Việt Nam mong muốn thương thuyết giải quyết xung đột bằng phương pháp hòa bình, nhưng bọn Pol Pot không chấp nhận. Trước tình hình đó, quân ta mở nhiều đợt tấn công, phản kích mạnh mẽ, thu hồi lại toàn bộ đất đai dọc biên giới bị chúng chiếm đóng. Đồng thời, theo đề nghị của lực lượng cách mạng Campuchia, quân ta phối hợp với bạn tiến công thần tốc giải phóng thủ đô Phnom Pênh ngày 7/1/1979, làm tan rã quân pol pot, chấm dứt chế độ diệt chủng tàn sát dân lành của Khme Đỏ, để đất nước được hồi sinh.

Phân hiệu Sư phạm Cao Bằng tiếp tục hoàn thành đào tạo các lớp đã tuyển từ năm học 1975 - 1976. Ảnh: Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng ngày nay.
Do yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 29/12/1978, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ tư đã quyết định chia tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Cao Lạng và sau đó là Cao Bằng đã nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, phấn đấu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai và đạt được những thành quả đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Tại Cao Bằng, từ cuối năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc diễn ra phức tạp hơn, bọn địch gây ra nhiều vụ khiêu khích vũ trang, lấn chiếm đất đai, phá hoại hoa màu, căng thẳng ngày càng leo thang. Mùa xuân Kỷ Mùi, tháng 2/1979, chiến sự biên giới xảy ra. Hơn 60 vạn quân Trung Quốc bành trướng mở cuộc chiến tranh xâm lược đồng loạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Ở Cao Bằng, chúng tiến đánh ta theo bốn hướng: Thông Nông, Trà Lĩnh, Phục Hòa, Thạch An; sau đó, đánh chiếm Nguyên Bình, Hà Quảng rồi tiến vào thị xã Cao Bằng. Đi đến đâu, chúng ngang nhiên đe dọa vũ lực, tàn phá các cơ sở kinh tế, sát hại dân thường một cách dã man. Được sự hỗ trợ, chi viện từ tuyến sau như các đơn vị chiến đấu tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc, huyện Võ Nhai (Lạng Sơn), Tiểu đoàn tự vệ gang thép Thái Nguyên, cùng với tinh thần bền bỉ, ý chí kiên cường của quân và dân Cao Bằng, sau một tháng giằng co oanh liệt, cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ độc lập dân tộc đã toàn thắng. Quân xâm lược phải thảm bại, rút quân về nước vào ngày 16/3/1979.
Sau hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Cao Bằng cùng với cả nước phải chịu những tổn thất nặng nề. Song, nhân dân Cao Bằng tự hào đã đóng góp sức người, sức của cho mặt trận, nhiều con em các dân tộc đã anh dũng hy sinh, bảo vệ biên giới Tây - Nam của Tổ quốc. Trận tuyến phía Bắc, trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, quân và dân Cao Bằng đã không quản hy sinh, gian khổ, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, cùng cả nước đánh tan quân bành trướng, đuổi chúng về bên kia biên giới.
Ngay sau kết thúc chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Cao Bằng khẩn trương tập trung mọi nguồn lực để khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là vùng biên giới. Cùng cả nước bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 -1985), ra sức xây dựng kinh tế, văn hóa - xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh. Quán triệt Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ chín (khóa V) với tinh thần: Nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở tất cả các vùng trong cả nước, Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo phát động phong trào thi đua “nước rút” 60 ngày đêm, tập trung cho sản xuất nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực tăng lên mỗi năm; năm 1982, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 121.977 tấn, tăng 10,9% so với năm 1981; năm 1984 đạt 140.425 tấn; năm 1985 đạt 150.000 tấn. Đàn gia súc, gia cầm cũng tăng theo từng năm.
Trong công nghiệp, Tỉnh ủy chỉ đạo khôi phục, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất công nghiệp địa phương hình thành và phát triển khá nhanh. Năm 1985, giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt 176.500.000 đồng, tăng 10% so với năm 1984.
Thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông - Vận tải, từ năm 1981 đến năm 1985, tỉnh tập trung đầu tư, nâng cấp mặt đường quốc lộ 3 từ thị xã Cao Bằng đến Thái Nguyên. Lực lượng vận tải được tăng cường, khối lượng vận tải hàng hóa và hành khách tăng nhanh. Năm 1985, tỉnh quyết định giảm giá cước 30%, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi hơn. Công tác xây dựng cơ bản chủ yếu tập trung vào dứt điểm các công trình trọng điểm then chốt trong sản xuất, đời sống và quốc phòng, việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật có nhiều tiến bộ, nhìn chung các cơ sở nông - lâm - công nghiệp, giao thông - vận tải, văn hóa - xã hội cơ bản đã được khôi phục lại.
Sự nghiệp văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến phổ thông trung học, bổ túc văn hóa được củng cố; công tác xóa nạn mù chữ được quan tâm đặc biệt, nhất là vùng cao, dân tộc thiểu số. Các hoạt động văn hóa - thông tin góp phần tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến nhân dân. Lực lượng vũ trang địa phương không ngừng được củng cố, tăng cường. Các đợt tuyển quân đều đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giao.
Thực hiện kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) và Kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, gắn kết chặt chẽ ba mặt: kinh tế - quốc phòng - văn hóa, xã hội, làm nên sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo thuận lợi cho sự phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.