Cao Bằng: Xác nhận nguyên nhân 18 học sinh ở Cốc Pàng ngất xỉu

Ngày 29/11, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng xác nhận 18 học sinh (2 nam, 16 nữ) tại Điểm trường Nà Rại (thuộc trường Tiểu học Cốc Pàng) xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng gặp các triệu chứng khóc thét, co cứng chân tay, ngất xỉu...

Theo đó, ngày 24/11/2022, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng nhận được thông tin về những biểu hiện lạ của các em học sinh tại Phân trường Nà Rại. Sau đó, Sở Y tế đã tổ chức Đoàn công tác đến kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe của các em học sinh tại Phân trường Nà Rại.

Theo lời kể của thầy cô giáo, từ khoảng tháng 4/2022 ở Phân trường Nà Rại có một số học sinh có biểu hiện lạ như ngất, khóc lóc vô cớ, co cứng chân tay, đánh người... Ban đầu xuất hiện ở 2 cháu, 3 - 5 ngày xuất hiện một lần, với thời gian khoảng 3 - 5 phút sau đó tăng dần lên 10 - 30 phút, thường xuất hiện vào buổi sáng, lúc đông người.

Đến thời điểm hiện tại có 18 trẻ có biểu hiện như trên (2 nam, 16 nữ), có 5 em mỗi ngày xuất hiện cơn kích động 4 đến 5 lần, mỗi lần kéo dài khoảng từ 20 đến 30 phút; còn lại 11 em khoảng 3 - 5 ngày mới xuất hiện các biểu hiện này một lần.

Sở Y tế tỉnh Cao Bằng tổ chức Đoàn công tác đến kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe của các em học sinh tại Phân trường Nà Rại. Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng

Sở Y tế tỉnh Cao Bằng tổ chức Đoàn công tác đến kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe của các em học sinh tại Phân trường Nà Rại. Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng

Sau cơn các em ngủ lịm khoảng 10 đến 20 phút thì tỉnh lại và tiếp xúc bình thường. Một số cháu bị kích động kéo dài trên 30 phút, giáo viên gọi người nhà đến đón về nhà thì các cháu lại trở lại bình thường.

Qua thăm khám trực tiếp cả 4 cháu trong tình trạng rối loạn cảm xúc, có phản ứng thờ ơ, gọi hỏi trả lời, kèm theo các rối loạn vận động như động tác lắc đầu, gật đầu, cào cấu, đánh người, kích động. Ngoài cơn, các cháu tỉnh táo, tiếp xúc được.

Khám thực thể sau cơn, các trẻ tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng, tim nhịp đều, rõ; phổi thông khi đều 2 bên; bụng mềm không chưởng, không có điểm đau khu trú; gan, lách không to. Ngoài ra không phát hiện bệnh lý thực thể bất thường.

Khám tâm thần sau cơn: các trẻ biểu hiện lo lắng, sợ hãi, không trả lời khi được hỏi bệnh. Sau khi được điều trị tại chỗ bằng một số nghiệm pháp tâm lý cơ bản thì hầu hết các cháu hồi phục hoàn toàn, có thể trở về lớp học bình thường.

Qua quá trình quan sát, thăm khám, tham khảo thông tin từ các thầy cô tại Phân trường Nà Rại và phụ huynh, phát hiện trẻ chỉ có các biểu hiện bất thường khi ở nơi đông người, không xuất hiện lúc ở một mình. Chủ yếu xuất hiện các cơn bất thường tại trường học, không xuất hiện tại nhà. Các cơn bất thường có tính chất lây lan. Ban đầu khởi phát bắt đầu từ một học sinh sau đó lan truyền sang các em học sinh khác, càng tập trung nhiều người chú ý, chăm sóc lại càng có nhiều em học sinh phát bệnh.

Đoàn kiểm tra kết luận các em học sinh mắc chứng rối loạn phân ly tập thể (theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 là F.44). Đoàn công tác Sở Y tế đã hướng dẫn cho các giáo viên xử lý khi xảy ra ca bệnh: Giáo viên cần giữ thái độ bình tĩnh, không trầm trọng hóa vấn đề, giữ trật tự trong lớp học, nhanh chóng đưa học sinh bị bệnh ra ngoài phòng riêng, yên tĩnh để theo dõi; thông báo cho gia đình học sinh biết và phối hợp theo dõi, chăm sóc trẻ.

Một trong số những trẻ có biểu hiện mắc chứng rối loạn phân ly tại Cao Bằng. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Cao Bằng.

Một trong số những trẻ có biểu hiện mắc chứng rối loạn phân ly tại Cao Bằng. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Cao Bằng.

Đối với các trường hợp học sinh có biểu hiện lên cơn tái lại nhiều lần trong ngày và kéo dài nhiều ngày, nhà trường báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình học sinh thực hiện biện pháp chăm sóc và theo dõi tại nhà từ 5 đến 7 ngày, nếu tình trạng học sinh ổn định, tiếp tục học tập bình thường. Chính quyền địa phương cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu và tự tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu; theo dõi tình hình sức khỏe các em học sinh và thông tin kịp thời cho ngành Y tế để tiếp tục có các biện pháp can thiệp y tế phù hợp.

Rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3-0,5% dân số. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được. Những sang chấn này thường gây những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề…

Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.

Rối loạn phân ly tập thể là khi xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông với triệu chứng đa dạng. Xuất hiện và kết thúc đều đột ngột thành từng cơn.

Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể, vì vậy bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng.

Để đề phòng mắc chứng rối loạn phân ly, cần rèn luyện tính cách trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn; biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác.

Ngoài ra, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, đi dã ngoại, chơi các môn thể thao và lao động tập thể, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập.

Liên Nguyễn

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/cao-bang-xac-nhan-nguyen-nhan-18-hoc-sinh-o-coc-pang-ngat-xiu-40511.html