Cao Bằng: Xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn

Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Toàn tỉnh có 177 xã thuộc diện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó có 156 xã đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Để hỗ trợ các xã này xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, thời gian qua, Cao Bằng đã đồng bộ triển khai nhiều giải pháp.

Thực hiện Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020, Cao Bằng có 8 huyện 36 xã với 448 thôn triển khai thực hiện. Sau khi tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính, đến nay còn 6 huyện, 32 xã và 294 thôn triển khai thực hiện đề án.Sau hơn hai năm thực hiện đề án, đến nay, Cao Bằng đã có 01 xã thuộc phạm vi đề án vươn lên đạt chuẩn NTM được công nhận, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn của các thôn là 9,6 tiêu chí/thôn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, Cao Bằng tiếp tục quán triệt và thực hiện một số giải pháp

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, Cao Bằng tiếp tục quán triệt và thực hiện một số giải pháp

Thời gian qua, để tăng cường nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn xây dựng NTM, Cao Bằng đã ban hành các cơ chế đặc thù áp dụng cho các huyện, xã, thôn thuộc phạm vi đề án như: Chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách và giúp đỡ các xã thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020... Đồng thời, Cao Bằng cũng giao 70 sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương xây dựng NTM, chú trọng xã thuận lợi đang tập trung về đích NTM và xã ở địa bàn khó khăn, biên giới.

Cùng với đó, công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong triển khai thực hiện đề án được cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội các cấp coi trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM; thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong vùng đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, đối với 448 thôn thuộc phạm vi đề án, qua khảo sát đánh giá thực trạng, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn của các thôn là 9,6 tiêu chí/thôn. Phấn đấu đến cuối năm 2020 có 40 thôn đạt chuẩn NTM, có thêm 02 xã thuộc phạm vi đề án đạt chuẩn NTM.

Để tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh; góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu không còn xã dưới 10 tiêu chí NTM và tạo tiền đề để các xã biên giới phấn đấu đạt chuẩn NTM khi đủ điều kiện trong giai đoạn 2021 - 2025, Cao Bằng tiếp tục quán triệt và thực hiện một số giải pháp.

Thứ nhất, tăng cường vai trò, trách nhiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng NTM và thực hiện đề án.

Thứ hai, nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân và hướng dẫn cho trưởng thôn, thành viên Ban phát triển thôn triển khai các nội dung của đề án. Trong đó, chú trọng tập huấn về các kỹ năng; quan tâm công tác đào tạo nghề, nhất là phát huy những nghề truyền thống ở các thôn, bản.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện chương trình; tạo điều kiện cho cộng đồng và người dân tham gia ngay từ việc khảo sát, lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện đề án.

Thứ tư, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, đồng thuận của người dân để cộng đồng và người dân được bàn bạc, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch và quyết định đóng góp công sức trong quá trình tổ chức, thực hiện đề án.

Cuối cùng, tiếp tục xây dựng kế hoạch, cách thức tổ chức triển khai thực hiện sát với thực tiễn, phù hợp với từng địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện đề án; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình vượt khó vươn lên, có nhiều đóng góp trong việc thực hiện đề án ở cơ sở.

Tiến Lợi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cao-bang-xay-dung-nong-thon-moi-tai-cac-xa-dac-biet-kho-khan-149326.html