Cao cả tình người

Kể từ sau hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đất nước ta không ít lần đối mặt với những khó khăn, song với dịch Covid-19 lần này, có thể xem là một cuộc chiến thực sự. Dịch Covid-19 gây ra những tác động kinh tế - xã hội sâu rộng, trực tiếp, ảnh hưởng cuộc sống người dân và mọi ngành nghề xã hội.

Đảng và Chính phủ đã xác định "chống dịch như chống giặc" và chúng ta đã thắng trận đầu. Tuy nhiên, những ngày qua, dịch đã bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất, đòi hỏi cần tập trung cao độ, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng. Thông báo mới nhất của Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tập trung phòng chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN), duy trì sản xuất - kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế…

Những tháng phòng chống dịch vừa qua, cả nước đã thể hiện tình cảm yêu thương, đùm bọc nhau trong tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào. Bên cạnh các tổ chức đoàn thể, các mạnh thường quân, văn nghệ sĩ vận động tiền của chống dịch, rất nhiều DN chung tay góp kinh phí, phương tiện phòng chống dịch; cố gắng giữ việc làm và thu nhập cho người lao động (NLĐ), nơi quá khó khăn thì thu xếp cho NLĐ nghỉ luân phiên hoặc nghỉ phép. DN cũng qua dịp này sắp xếp lại sản xuất hay cơ cấu lại ngành nghề, tìm hướng đi mới…

Các cấp Công đoàn (CĐ) TP HCM cũng có nhiều hoạt động tiếp sức DN và NLĐ. Cán bộ LĐLĐ nhiều quận huyện đã lập các đoàn khảo sát, xuống với DN, xuống các khu nhà trọ để tìm hiểu, động viên DN và NLĐ vượt khó. Từ đó, nhiều DN nỗ lực giữ chỗ làm cho NLĐ, nhiều chủ nhà trọ đã giảm tiền thuê nhà cho NLĐ, mua thêm gạo, mì gói để giúp những NLĐ quá khó khăn khi chưa có lương, thu nhập khác.

Ở cấp vĩ mô, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) đã trình Thủ tướng đề án hỗ trợ DN, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 6 nhóm chính sách hỗ trợ. Trong đó có giải pháp tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất với NLĐ bị ngừng việc, thôi việc và DN có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc; thời hạn áp dụng từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020. Ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu đến 3 triệu người thuộc diện này và 150.000 - 200.000 DN với kinh phí từ 25.000 - 49.000 tỉ đồng. Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do dịch Covid-19.

Đây là những đề xuất quan trọng, với quan điểm nhân văn, đáp ứng nguyện vọng người thụ hưởng và phù hợp hiện trạng đất nước. Nếu được áp dụng sẽ giảm gánh nặng cho DN và NLĐ; góp phần hỗ trợ DN vượt qua khó khăn vì đại dịch. Về phía NLĐ, qua việc DN nỗ lực chèo chống để vượt khó, tìm cách giữ việc làm, trả lương, NLĐ thấy rõ thiện chí của người sử dụng lao động. Hoạn nạn mới rõ lòng nhau. Khi DN cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, chính những NLĐ đã từng gắn bó, được DN quan tâm sẽ là những người tiếp tục đồng hành, đóng góp công sức đưa DN phát triển.

Khó khăn, dịch bệnh rồi sẽ qua đi. Những giá trị tốt đẹp nhất, ý nghĩa nhất của đời sống sẽ ở lại, lâu bền.

THÔNG ĐẠT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/cao-ca-tinh-nguoi-2020032323053989.htm