Cao điểm mùa khô - rừng Bảy Núi, An Giang có thể cháy bất cứ lúc nào
Do nắng nóng kéo dài suốt hơn 3 tháng qua, độ ẩm thấp, làm nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh An Giang có nguy cơ cháy rất cao.
Đặc biệt những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy, mặc dù quy mô cháy nhỏ. Hiện nay, các ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đang phải quyết liệt với nhiều giải pháp để phòng chống cháy rừng.
Tại khu vực núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên, chỉ trong mấy ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3, đã xảy ra 3 vụ cháy. Mới đây nhất là vào khoảng 9 giờ, ngày 3/3, đã xảy ra cháy rừng nghiêm trọng, tại khu vực Tà Lọt, thuộc Núi Cấm, xã An Hảo.
Để kịp thời dập tắt đám cháy, chính quyền địa phương đã phải huy động hơn 500 người gồm cả lực lượng chữa cháy tại chỗ và Lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn hyện. Sau gần 1 ngày mới khống chế được đám cháy. Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau lửa bùng phát trở lại, do điều kiện đồi núi, mực nước ở các kênh rạch thấp…nên công tác chữa cháy gặp không ít khó khăn; phải đến 10 giờ cùng ngày đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
Diện tích rừng bị cháy khoảng 6 ha, trong đó có hơn 1 ha rừng phòng hộ. Qua vụ việc này này cho thấy, mặc dù những vụ cháy nhỏ, nhưng nếu không có sự ứng phó kịp thời của các lực lượng chức năng thì hậu quả thiệt hại là rất lớn.
Ông Đặng Văn Tấn, ở xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, chia sẻ về vụ cháy đợt cuối tháng 2 vừa qua do thiếu ý thức của một số người dân. “Thới Sơn mới có một vụ cháy, một ông mướn người làm, cắt một đường ranh chừng 2 mét để đốt, nhưng cuối cùng bị cháy, nên Công an, xã đội tập chung xe chữa cháy mà làm không xuể, vì gió nên tốc độ cháy nhanh; rồi cộng thêm lá bị cháy theo gió bay đến đằng kia nó rơi xuống lại cháy nữa. Ở vùng núi này từ hồi xưa đến giờ, mùa này rừng nguy hiểm nhất là các vụ cháy, nếu bị cháy là hao tốn nhiều, đủ thứ chuyện; công sức anh em phải tập chung…Cho nên người dân, bà con mình phải có ý thức đề cao mới được”.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 10ha rừng các loại như: tràm, keo, điều, tầm vông... Các vụ cháy rừng xảy ra chủ yếu tại huyện Tịnh Biên, bởi đây là nơi tập trung hơn một nửa diện tích rừng của tỉnh. Nguyên nhân của vụ cháy thường là do người dân vào rừng đốt ong và bất cẩn.
Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, thời gian này, đang trong giai đoạn cao điểm của mùa khô, độ ẩm thấp, cây cỏ khô héo làm cho thảm thực bì khô, gia tăng vật liệu cháy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Trước tình hình trên, Ban quản lý rừng đã xây dựng và củng cố lực lượng của đơn vị là gần 220 người, trong đó có 70 người được thuê bảo vệ rừng. Bố trí dụng cụ, phương tiện tại hơn 130 điểm với 38 máy chữa cháy, 76 máy chữa cháy đeo vai, gần 1.800 can nhựa chứa nước và hàng trăm dụng cụ chữa cháy, dập lửa thủ công... Đồng thời, Ban quản lý đã phối hợp với các lực lượng xây dựng hơn 27 ha đường băng cản lửa tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao; duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người vào trong những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; nhắc nhở, hướng dẫn khách tham quan du lịch khi sử dụng lửa.
“Theo dự báo, hiện nay là cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, cho nên Ban quản lý rừng chỉ đạo cho các trạm quản lý rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra; phối hợp với các lực lượng như: Kiểm lâm, Quân sự tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy, chứa cháy rừng. Đặc biệt là các trạm, chốt thường xuyên có người trực ở đó, để có sự cố gì còn phát hiện kịp thời, để huy động lực lượng tham gia ứng cứu nếu có cháy”, ông Thái Văn Nhân cho biết thêm.
Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh An Giang, địa phương có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là gần 17.000 ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Trong đó, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cấp 5 là hơn 7.000 ha, tập trung ở các huyện như: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn… Hiện nay nhiệt độ luôn ở mức cao, nhất là thời điểm khoảng 13 giờ, có những ngày lên 36-37 độ; nắng nóng gay gắt, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô, độ ẩm rất thấp, lượng nước dưới các kênh đang dần khô kiệt, vì vậy rất dễ bắt lửa gây cháy lớn và lây lan nhanh trên diện rộng, tạo thành những đám cháy lớn, sẽ gây thiệt hại nhiều mặt.
Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, diện tích rừng của tỉnh chủ yếu tập trung ở khu vực Bảy Núi có địa hình hiểm trở, khó tiếp cận, xa nguồn nước nên khi xảy ra cháy rất khó khăn cho việc chữa cháy. Mặt khác, đây cũng là nơi có nhiều cơ sở thờ tự, nên nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào nếu như người dân thiếu ý thức trong việc sử dụng lửa. Do đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực tham gia trong công tác phòng chống cháy rừng là hết sức quan trọng.
Ông Hùng cho biết thêm: "Kiểm lâm phối kết hợp với Công an, Quân sự và chủ rừng túc trực tại các nơi khách hành hương tập trung cao độ, những hộ dân ven rừng để thường xuyên nhắc nhở cẩn trọng trong việc sử dụng lửa. Thường xuyên tuần tra, kiểm tra những vùng trọng điểm; kiểm tra về công tác bố trí phương tiện dụng cụ; kiểm tra việc vận hành phương tiện dụng cụ; kiểm tra việc bố trí con người tại những chốt điểm trọng điểm; kiểm tra các thao tác đối với việc vận hành những máy chữa cháy rừng để khi có sự cố thì sẽ vận hành được ngay và dập tắt lử kịp thời".
Từ những bài học của các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu mùa khô đến nay, nhất là hiện đang vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, nhiệt độ đang ngày một tăng cao, độ ẩm thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để không xảy ra những vụ cháy rừng tương tự, đồng thời đảm bảo tốt công tác phòng chống cháy rừng, ngoài việc nỗ lực của các lực lượng chức năng, thì đòi hỏi ý thức, sự chung tay của mỗi người dân trong việc bảo vệ và phòng, chữa cháy rừng./.