Cao điểm quét mã, quẹt thẻ đổ xăng tại Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh đang triển khai đợt cao điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng xăng dầu, qua đó dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn.
Tới cửa hàng xăng dầu Petrolimex tại khu vực Hà Tu (TP Hạ Long, Quảng Ninh) để đổ xăng cho xe máy, chị Đỗ Thu Mai định thanh toán số tiền 60 nghìn đồng bằng tiền mặt. Tuy vậy, khi nghe nhân viên cây xăng khuyến khích thanh toán bằng hình thức không tiền mặt, chị vui vẻ di chuyển tới khu vực đặt máy POS, mở ứng dụng của ngân hàng, quét mã QR và hoàn thành thanh toán trong chưa đầy một phút.
Chị Mai cho biết: Không phải lúc nào trong người mình cũng có tiền mặt. Thanh toán qua tài khoản thế này rất tiện lợi vì tài khoản mình lúc nào cũng có tiền, còn tiền mặt thì đôi khi mình quên, nhiều trường hợp đi vội nên không mang tiền.
Hiện nay, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Quảng Ninh đã thực hiện tiếp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên, lượng giao dịch theo hình thức này vẫn chưa cao. Từ ngày 1/6 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tổ chức đợt cao điểm “hỗ trợ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu”, cho đến khi duy trì ổn định hoạt động này. Trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán không tiền mặt và lấy hóa đơn bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Petrolimex 125, Chi nhánh Xăng dầu Quảng Ninh cho biết, quá trình triển khai đợt cao điểm này có nhiều thuận lợi nhờ cửa hàng đã được trang bị đầy đủ hệ thống máy POS, wifi, nâng cấp đường truyền internet, tập huấn cho đội ngũ nhân viên từ tháng 7/2023. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn toàn phòng chống cháy nổ khi thanh toán qua các thiết bị di động thông minh, cửa hàng bố trí khu vực riêng để khách hàng quét mã QR, quẹt thẻ ngân hàng được thuận tiện: "Đây là hình thức mới. Do đó khi khách hàng vào mà chưa biết thanh toán như thế nào thì chúng tôi cũng quảng bá, hướng dẫn. Đến nay thì hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng ngày một tăng lên, người dân cũng biết đến nhiều hơn, có xu hướng khi vào mua xăng dầu thì chuyển sang không dùng tiền mặt nhiều hơn, thể hiện rõ qua lượng xuất bán".
Qua khảo sát, tại nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt tại các đô thị lớn của Quảng Ninh, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm khoảng 30-45% doanh thu hàng tháng, ngoài tạo thuận lợi cho khách hàng còn giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị, đảm bảo tính minh bạch, lưu thông dòng tiền tốt hơn. Tuy vậy, tỷ lệ này ở các khu vực nông thôn, miền núi thấp hơn rất nhiều. Đặc biệt, nhiều tình huống thực tế phát sinh khiến người dân chưa mặn mà “quét mã, quẹt thẻ”, như đường truyền mạng chậm, lỗi giao dịch với ngân hàng, phải chờ đợi lâu để đến lượt thanh toán trong giờ cao điểm, một số người dân chưa có tài khoản ngân hàng/ví điện tử…
Ông Phạm Minh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Cẩm Phả - đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu khu vực TP Cẩm Phả cho rằng: "Để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi cũng đề nghị cần tăng cường tuyên truyền quảng bá để nâng tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng, dùng điện thoại di động có kết nối internet, và đặc biệt là có chính sách khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt".
Hiện tỉnh Quảng Ninh có hơn 200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đảm bảo điều kiện đang hoạt động. Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Tổ công nghệ số tại các xã, phường, thị trấn bố trí đội ngũ thường trực tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, phối hợp với các ngành liên quan và doanh nghiệp hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh chỉ đạo ngân hàng thương mại phối hợp thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp và người dân sử dụng mã QR, đảm bảo liên kết tài khoản ngân hàng với ví điện tử của đơn vị viễn thông đồng nhất.
Qua đợt cao điểm này, Quảng Ninh đặt mục tiêu không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong mua bán xăng đầu, mà còn góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, trước mắt là phấn đấu tăng số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt từ 20-25%/năm; đạt tỷ lệ 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử vào cuối năm 2025.