Cáo đội lốt hùm

Am hiểu về các mối quan hệ, giả giọng nói như thật của lãnh đạo gọi điện cho người quen thân rủ hùn vốn, vay tiền... là chiêu bài tinh vi, xảo quyệt mà đối tượng lừa đảo nhằm đến các nạn nhân. Tin tưởng, chủ quan và không lường hết được sự thật, nhiều người đã sập bẫy.

“Lãnh đạo cao cấp” gọi điện... hùn vốn

Không biết bằng cách nào mà đối tượng nắm rõ thông tin về gia đình anh L.M.H (ngụ Q. Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Anh H. cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, anh nhận được cuộc gọi của “người anh họ” đang làm lãnh đạo một sở ở Long An. Giọng nói trong điện thoại giống y hệt ông anh, chỉ khác số điện thoại. Anh H. hỏi sao gọi số lạ thì “người anh” nói đây là số làm ăn, gọi cho thuận lợi. Sau đó, “người anh” đề cập đến việc đang đầu tư làm dự án ở cảng quốc tế Long An, cần huy động vốn từ người thân.

Người này đề nghị anh H. tham gia và hứa sẽ cho đứng tên cũng như chia phần trăm. Anh H. thắc mắc: “Em với anh mới gặp nhau tuần trước, có thấy nói gì đến chuyện làm ăn đâu, sao giờ lại cần tiền?”. Đầu dây bên kia nhanh nhảu: “Lúc đó chưa tiện nói, bây giờ cần chốt dự án vì đã có phê duyệt của trung ương rồi”.

Đối tượng Mai Thế Dũng lừa đảo quen biết với Giám đốc Công an tỉnh nhằm chiếm đoạt tiền người dân.

Đối tượng Mai Thế Dũng lừa đảo quen biết với Giám đốc Công an tỉnh nhằm chiếm đoạt tiền người dân.

“Người anh” cần huy động 2 tỷ đồng, nhưng anh H. nói hiện không đủ tiền mặt, phải đi rút sổ tiết kiệm của hai vợ chồng. Dường như “con mồi” cắn câu, đối tượng hối thúc anh H: “Giờ em có bao nhiêu thì chuyển cho anh, càng sớm càng tốt. Sau đó em đi rút tiết kiệm chuyển tiếp, anh cần gấp không chờ đợi được nữa”. Anh H. liền thông báo cho vợ về cuộc gọi của “ông anh họ” để thống nhất chuyển tiền. Rất may, vợ anh H. vốn là cán bộ ngân hàng nên cần phải xác minh lại số điện thoại cho chính xác. Chị gọi điện cho ông anh bằng số điện thoại chính thì phát hiện “ông anh” kia là giả.

Vợ chồng anh H. tìm cách câu nhử đối tượng lừa đảo để lấy thông tin trình báo Cơ quan công an. Tuy nhiên, khi anh H. gọi điện thoại lại, qua vài câu nói, đối tượng nghi ngờ liền cúp máy, số điện thoại không còn liền lạc được nữa.

Cũng bị đối tượng giả danh lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội gọi điện đe dọa, bà N.T.Q (ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) suýt nữa mất sạch số tiền tiết kiệm trong tài khoản. Theo đó, bà Q. nhận được cuộc gọi tự xưng lãnh đạo Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội thông báo bà Q. đã tham gia vào một số trang mạng phản động nhằm chống phá Đảng và chính quyền. Hiện, bà Q. đang nằm trong diện theo dõi và khả năng cao là bị khởi tố. Nghe “lãnh đạo” dọa, bà Q. rất hoang mang, lo sợ, mặc dù bà không hề tham gia vào trang mạng phản động nào, chỉ có điều bà Q. thuộc thành phần “nghiện” mạng xã hội Facebook, hay đăng tải những câu chuyện của bản thân lên mạng rồi bình luận trao đổi.

Nguyễn Văn Tâm, đối tượng giả giọng nói của Bí thư Thành ủy để gọi điện lừa đảo.

Nguyễn Văn Tâm, đối tượng giả giọng nói của Bí thư Thành ủy để gọi điện lừa đảo.

Đối tượng nắm được “thóp” nạn nhân liền tấn công tới tấp. Chúng yêu cầu bà Q. vào đường link để cài đặt VNeID (phần mềm định danh điện tử) cung cấp đầy đủ thông tin cho “lãnh đạo Bộ Công an” xem xét giải quyết. Bà Q. truy cập link và được hướng dẫn làm theo các bước điền thông tin về: Số điện thoại, số CCCD, mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP... Do không nắm rõ các thao tác, bà Q. đã nhờ con trai hướng dẫn. Con trai bà Q. tỉnh táo, nhận ra ngay đây là trò lừa đảo. Vừa nghe thấy giọng con trai bà Q. trong điện thoại, đối tượng đã tắt máy.

“May là tôi kém công nghệ, chứ nếu sành sỏi đăng nhập đường link của đối tượng thì đã bị mất sạch tiền trong tài khoản rồi. Tội phạm bây giờ liều lĩnh, manh động quá, người dân chúng tôi nghe đến lãnh đạo, cán bộ là tin tưởng, ai ngờ đó là những phù thủy chuyên giả danh lừa đảo”, bà Q. chia sẻ.

Không may mắn như bà Q., ông T.V.Đ (ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã sập bẫy trò lừa tinh quái này. Đối tượng gọi điện xưng là anh chồng của vợ ông Q., vị này đang làm lãnh đạo một sở tại tỉnh Đồng Nai. Từ giọng nói, âm thanh, cách nhấn nhá trong từng lời giống đến mức ông Đ. không phát hiện điều gì khác lạ cả. Vì là ông anh thân thiết nên khi nghe anh chia sẻ đang thiếu 1 tỷ đồng đặt cọc dự án sân bay Long Thành thì ông Đ. tin tưởng ngay. Ông thật thà cho biết, hiện tiền mặt không có nhiều, chỉ còn 180 triệu đồng trong tài khoản, là số tiền trả lương cho thợ tháng sau.

Đầu dây bên kia chia sẻ khó khăn với ông Đ. và hứa chỉ mượn trong vòng 1 tuần sẽ trả lại. Ông Đ. có bao nhiêu cứ chuyển vào tài khoản của đối tác. Không suy nghĩ nhiều, ông Đ. lập tức chuyển 90 triệu vào tài khoản mà “ông anh” đã cung cấp. Số tiền 90 triệu còn lại đang nằm trong tài khoản khác, ngặt nỗi tài khoản này ông Đ. chưa đăng ký sinh trắc học nên chỉ chuyển được 10 triệu mỗi lượt. Ông chuyển đến lượt thứ hai thì phải tạm dừng đến ngày mai mới tiếp tục giao dịch được. Tối về nhà, ông Đ. kể lại câu chuyện với vợ. Vợ ông không tin là anh trai đi vay tiền làm ăn nên đã gọi điện hỏi thăm thì vỡ lẽ, chồng mình bị lừa.

Ông Đ. đã gọi lại số điện thoại lừa đảo nhưng không có tín hiệu. Sáng hôm sau, theo như thỏa thuận, ông Đ. sẽ chuyển tiếp số tiền còn lại cho “ông anh”. Nhưng, đối tượng đã “đánh hơi” được sự tình nên “tàng hình” ngay mà không để lại dấu vết. “Tôi không hiểu tại sao bọn chúng lại giả giọng nói của người khác giống đến thế. Không những vậy, chúng còn tìm hiểu và nắm được thân nhân của gia đình mình để lừa đảo. Bình thường tôi rất kỹ, số điện thoại lạ gọi là tôi cẩn thận kiểm tra không để cho chúng có cơ hội lừa đảo. Riêng chiêu giả giọng nói người thân thì mình tin tưởng, chủ quan nên dính lừa”, ông Đ. buồn bã kể.

Anh H. suýt nữa thì sập bẫy lừa của “ông anh” lãnh đạo.

Anh H. suýt nữa thì sập bẫy lừa của “ông anh” lãnh đạo.

Giả giọng nói tinh vi

Tội phạm giả giọng nói của các lãnh đạo để lừa đảo đã xảy ra từ nhiều năm nay. Đây không phải là chiêu trò mới mẻ nhưng lại khiến nạn nhân chủ quan, bị động, không lường hết được sự việc vì chúng đánh vào tâm lý thân quen, uy tín trong gia đình và các mối quan hệ.

Mới đây nhất, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định đã đưa ra cảnh báo về việc giả mạo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông gọi điện lừa đảo. Các đối tượng giả danh đã gọi điện cho một số cán bộ, người dân và thông báo về việc họ dùng một số thuê bao khác đăng kí liên kết với các trang mạng chống phá Đảng, Nhà nước. Trong đó, đối tượng giả danh lãnh đạo sở gọi điện cho một chủ tịch xã ở huyện Tuy Phước và Phó Bí thư Đảng ủy xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) đưa ra nhiều lý do khác nhau, sau đó yêu cầu hai vị lãnh đạo này làm theo hướng dẫn.

Khi nhận được cuộc gọi giả danh, hai lãnh đạo xã đã nhanh chóng phát hiện sự bất thường, có dấu hiệu lừa đảo nên đã ngắt máy và thông báo ngay cho Sở Thông tin và Truyền thông nên chưa có trường hợp nào bị thiệt hại tài sản.

Tuy nhiên, không phải cuộc gọi nào của “lãnh đạo” rởm cũng bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Điển hình là vụ án cựu Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa 171 tỷ đồng, Công an tỉnh Đồng Nai thông tin, nhóm đối tượng giả danh một vị Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai gọi điện hù dọa nạn nhân có liên quan đến pháp luật. Bằng nhiều hình thức khác nhau, cựu Chủ tịch huyện đã chuyển cho nhóm lừa đảo hàng trăm tỷ đồng.

Liên quan đến thực trạng lừa đảo này, trong cuộc họp tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm của TP Hồ Chí Minh diễn ra đầu tháng 8/2024, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Không chỉ là người dân mà trong cả hệ thống chính trị chúng ta hiện nay cũng bị. Hôm trước tôi đi họp, có một cán bộ cao cấp nói nhận được điện thoại của tôi hỏi mượn tiền, nghe tiếng rất giống tôi nhưng số điện thoại thì không phải của tôi. Sau khi kiểm tra lại thì đó là số của một người khác”. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, tình trạng lợi dụng, giả danh cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo các cấp, tòa án, công an, viện kiểm sát... diễn ra phổ biến, ai cũng đều có thể bị lợi dụng để điện thoại, ráp hình ảnh để lừa đảo qua mạng.

“Tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều. Hằng ngày đều có thông tin người này người kia bị lừa. Có những cán bộ Thành ủy, đứng đầu các cơ quan ở thành phố này cũng bị dựng lên câu chuyện tống tiền. Nhiều người gọi cho tôi hỏi có làm ăn gì không mà đi huy động vốn...”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên kể.

Cơ quan công an tiếp nhận tin báo có đối tượng mạo danh Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên gọi điện thoại cho người thân của Bí thư để mượn tiền, kêu gọi góp vốn đầu tư.

Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo còn giả giọng nói giống như giọng của Bí thư Thành ủy khiến người thân lúc đầu phân vân nhưng họ nghi ngờ đây là thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại nên không nghe theo và trình báo Cơ quan công an.

Cơ quan Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua cuộc gọi để người dân cảnh giác.

Cơ quan Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua cuộc gọi để người dân cảnh giác.

Tiếp nhận tin báo, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã giao Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng phối hợp đã bắt giữ được đối tượng mạo danh để lừa đảo là Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1985, quê An Giang). Qua đấu tranh, bước đầu đối tượng khai nhận, dùng nhiều số điện thoại thuê bao không chính chủ (sim rác) mạo danh Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Công an, giám đốc công ty xổ số kiến thiết một số tỉnh, thành. Sau đó, đối tượng Tâm gọi điện thoại cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người thân của các lãnh đạo này để mượn tiền, kêu gọi đầu tư nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi các nạn nhân sập bẫy, chuyển tiền thì Tâm nhanh chóng rút ra chiếm đoạt, đồng thời chặn số điện thoại, cắt liên lạc. Bằng thủ đoạn tinh vi trên, Nguyễn Văn Tâm đã lừa đảo được nhiều nạn nhân, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân khi nhận được các cuộc gọi từ số lạ tự xưng là "lãnh đạo cao cấp" cần bình tĩnh, xác minh lại thông tin, không chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Với việc cài đặt ứng dụng VNeID, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, lực lượng Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại.

Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị; không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân qua điện thoại. Thường xuyên nâng cấp hệ điều hành điện thoại và sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền.

Nên đặt hạn mức số tiền chuyển khoản trực tuyến để kịp thời hạn chế thiệt hại khi bị cài mã độc. Nhanh chóng phong tỏa tài khoản cá nhân, công ty nếu nghi vấn và báo cho Cơ quan công an.

Ngọc Thiện

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/cao-doi-lot-hum-i743518/