Như thường lệ, khoảng tháng 3 hàng năm, mực nước ở các sông suối, hồ thủy lợi giảm người dân lại rủ nhau đi cào hến. Chiếc vợt lưới cán dài cỡ sải tay được người dân sục sạo dưới đáy hồ gom những con hến chừng bằng ngón tay trỏ.
Khoảng 9h sáng người dân bắt đầu lặn, dầm mình trong làn nước mải mê cào hến.
Mỗi lần cào hến, đất, đá... lẫn vào vợt nặng trĩu.
Từ năm 17 tuổi, bà Y Dưn (45 tuổi, phường Thống Nhất) quen với công việc cào hến ở hồ thủy lợi Đăk Yên. Mỗi năm mùa cào hến kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm khi nước trên các hồ đập đã rút xuống, lộ ra những bãi bùn.
Bà Dưn ngồi lựa những con hến hư, đá... bỏ đi. Sau 6 tiếng ngâm mình dưới nước, bà Dưn bắt được khoảng 40kg hến, bán với giá 6.000 đồng/kg.
Chị Trần Thị Liên cùng chồng mỗi ngày cào được khoảng 40-50kg hến để bán kiếm tiền lo chi phí học tập cho 2 người con.
Những con hến được chị Liên đãi, lựa sạch sẽ đổ vào bao để mang đi bán.
Những em nhỏ cũng tranh thủ thời gian rảnh để cào hến làm thức ăn và bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Cào hến ở hồ thủy lợi Đăk Yên cũng tiềm ẩn nguy hiểm cho các em nhỏ khi mực nước vẫn còn khá sâu.
A Tăn (15 tuổi, trú xã Hòa Bình, TP.Kon Tum) tranh thủ thời gian chăn bò thuê xuống đập Đăk Yên bắt hến. Mỗi ngày A Tăn vợt được khoảng 5-7kg, để cải thiện bữa ăn cho gia đình, ngày nhiều thì thiếu niên mang đi bán kiếm tiền.
Hồ thủy lợi Đăk Yên có dung tích 6,45 triệu m3, có chức năng cấp nước tưới cho 895 ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 dân tại TP. Kon Tum.
Dung Nguyễn