Chẳng kể nắng, mưa, giá rét, hàng trăm người dân vùng biển xứ Thanh ngày ngày mưu sinh theo con nước thủy triều, chạy theo những con sóng.
Những ngày này, người dân ven biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lại ra bờ biển cào ngao ở vùng gần bờ.
Đây được coi nghề truyền thống của ngư dân vùng biển xứ Thanh lưu giữ suốt nhiều đời qua. Theo những người làm nghề cào ngao thuê ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), công việc của họ bắt đầu lúc trời còn tối mịt, họ đã thức giấc mang theo đèn pin, nước uống theo chân nhau ra các bãi nuôi trồng ngao ở đảo Nẹ để mưu sinh.
Dụng cụ dùng để làm nghề cào ngao ngao là chỉ cần một chiếc cào 3 đinh, rổ đựng và găng tay.
Những con ngao nằm sát mép bờ to bằng 2 ngón tay người lớn
Nghề cào ngào tuy vất vả, tốn sức nhưng không mất nhiều vốn để sắm đồ nghề. Chỉ cần khoảng 100.000 đồng là đủ để sắm dụng cụ.
Mùa ngao thường xuất hiện từ tháng 3 âm lịch kéo dài cho đến tháng 9. Muốn tìm được ngao phải đi thật sớm, lúc triều hạ, các bãi cát ngầm hiện ra là nơi ngao sinh sống. Người dân cứ thế cào cho đến khi nào nắng lên, nước lớn, không cào được nữa thì quay về.
Nghề này không chỉ thu hút chị em phụ nữ mà cả nhiều đàn ông và cả trẻ em cũng theo bà, theo mẹ ra bãi
Để chống chọi lại cái nắng nóng gay gắt vào mùa Hè, những người phụ nữ thường mặc quần áo dài tay, mang nón hoặc mũ rộng vành, che kín mặt.
Những người cào ngao thuê tại cửa biển Hậu Lộc cho biết, vào mùa này ngao thường có trứng, béo và ngọt hơn so với những thời điểm khác trong năm
Ngao sau khi cào sẽ được nhúng nước cho sạch cát, đóng vào bao và chở đi nhập cho các cơ sở thu mua ngay tại bến. Trung bình, mỗi lao động có thể cào được khoảng 1 tạ (100kg) ngao tươi trong vòng từ 6-7 giờ.
Hiện giá ngao dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg tùy loại. Sau khi thu hoạch xong, ngao được đóng vào bì chờ nước lên thuyền đến vận chuyển vào bờ để tiêu thụ.
Hà Anh