Cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Tỉnh Gia Lai đón nhận bằng chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt.
Tối 21/5, tại lễ Kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh, tỉnh Gia Lai đã đón nhận bằng chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với cao nguyên Kon Hà Nừng.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng tỉnh Gia Lai trải rộng trên diện tích 413.511,67 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của thị xã An Khê và 5 huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ. Đây là khu vực hội tụ tính đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực dãy Trường Sơn, lưu trữ các giá trị văn hóa, tiến hóa lâu đời, có giá trị bảo tồn, hỗ trợ sinh kế và phát triển. Khu dự trữ có đóng góp rất quan trọng trong bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, các loài và nguồn gen di truyền thông qua nhiều chương trình bảo tồn nguyên vị đa dạng sinh học. Khu dự trữ sinh quyển này có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.
Ngày 15/9/2021, tại Kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB - ICC), hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng của tỉnh Gia Lai đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp Quốc (UNESCO) thông qua và công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 11 trong mạng lưới sinh quyển Việt Nam.
Tại chương trình, ông Christian Manhart - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao Bằng Chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng tỉnh Gia Lai.
Trong khuôn khổ chương trình, tỉnh Gia Lai còn đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và Bằng xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng – Gò Đá.
Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là nơi ghi dấu cuộc khởi nghĩa nông dân do ba anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo vào những năm cuối thế kỷ 18. Đây là một giai đoạn lịch sử oai hùng của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ. Từ cuộc khởi nghĩa nông dân, thắng lợi của phong trào Tây Sơn đã đưa đất nước ta lên một tầm cao mới. Di tích đã trở thành niềm tự hào của người dân Gia Lai và đã được ghi dấu vào kho tàng tài sản vô giá của hệ thống các di tích lịch sử văn hóa của quốc gia năm 1991. Để xứng đáng với ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng quan trọng của di tích, ngày 18/1/2022, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Chương trình khai quật khảo cổ tại di tích Rộc Tưng – Gò Đá được tiến hành từ năm 2015 đến 2019, với sự hợp tác của các chuyên gia Viện Khảo cổ - Liên bang Nga và Viện Khảo cổ học Việt Nam. Kết quả khai quật đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị rất quan trọng, có niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay, điển hình là bộ rìu tay sơ kỳ Đá cũ An Khê là bằng chứng sinh động về văn hóa của cộng đồng cư dân sơ kỳ Đá cũ cách đây khoảng 800.000 năm, trên đất Gia Lai, và cũng là mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam. Với tầm quan trọng, ý nghĩa khoa học, lịch sử độc đáo, di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia vào ngày 04/11/2020.
Vũ Lê - Duy Nguyễn