Cao nguyên mọi ngả bao la 'sầu'
Dân cao nguyên gọi sầu riêng là 'sầu' - chắc là để cho dễ, gọn, như họ gọi bơ, cam, quýt, cà (tức cà phê) - thì ta cũng gọi bằng giọng đồng điệu ấy, ngôn ngữ đời thật dân dã.
Những ngọn đồi, sườn núi, thung lũng bóng loáng màu vàng xanh là nó đó, màu cây lá sầu riêng, cái màu khá biệt lệ so với vô vàn màu cây cỏ chủ đạo quen thuộc trên cao nguyên này. Người Pháp thời Đông Dương lấy giống từ đâu không rõ nhưng đã đưa cây sầu riêng đến xứ Tây Nguyên để trồng len lỏi trong những đồn điền cà phê trên trăm năm rồi. Thế mà bây giờ bỗng dưng Tây Nguyên tưng bừng “sầu”, bằng giống tuyệt vời của người Thái.
Trên những ngả đường cao nguyên, hương vị của “sầu” phảng phất theo gió từ các trái chín vỡ ra, hay từ các điểm tách múi đóng hộp để làm kem đông lạnh dã chiến ở các vựa “khiêu khích” các giác quan tha nhân, rất dễ động đậy, thèm thuồng. Giữa trời, người ta đang rạo rực chuyển sang chuyên canh “sầu”, nghĩa là dễ thấy phủ nguyên một ngọn đồi, một trang trại, một cái rẫy thành... sầu riêng. Những trang trại “sầu” rộng một, hai, ba, năm, mười, hay vài chục hécta. Rằng nó không còn là cây trồng điểm xuyết để chủ rẫy lấy ít quả ăn chơi nữa mà thành trái cây hàng hóa, cây “chiến lược”, cây để... làm giàu.
Như mọi cây trồng xưa giờ, nông dân tự tìm kiếm kỹ thuật trồng chăm “sầu”, hoặc san sẻ, học hỏi qua lại. Trong những đồi “sầu” trưởng thành, vẳng tai, sẽ nghe tiếng dân tình đang rộn rã thu cắt trái bán. Thương lái hiện diện mọi nơi. “Cò” sầu lượn xe máy lùng sục khắp ngả núi, tận những rẫy vườn cheo leo, heo hút, cách trở nhất. “Cò” giành nhau xí vườn, chiếm chỗ: hứa hẹn, thỏa thuận, “làm giá”, bỏ cọc, chốt giá. Chả có thứ trái cây nào mà “cò” lượn khắp xó xỉnh, nhiệt tình thế này. Người ta mua mão cả vườn sầu lúc còn non. Người ta bán lẻ, bán từng đợt, bán từng mảnh, bán từng tấn, từng xe, bán sỉ, bán đứt...
Nghề gõ (để “nghe” âm thanh bên trong mà xác định non-già), nghề cắt (trái) “sầu” thuê (cho thương lái) xuất hiện. Và cả nghề chạy xe ôm trong núi vắng cũng ra đời, thay vì chở người thì chở chuyên trái sầu cho lái buôn. Ô hay, thứ cây trái thân thuộc sao sinh khí chợt “tưng bừng lạ” thế này! Khắp những nẻo làng quê núi “sầu” đến rộn rạo, không cảnh thu cắt trái, vận chuyển, đóng thùng thì là cảnh cô bác chở cây sầu con đi trồng.
Những chỗ đất trống lâu nay lừng khừng giữa cây ngắn ngày và cây lâu niên thì giờ nông dân quyết liệt hối hả đặt xuống cây sầu non. Không có đất trống thì phá bỏ điều, cao su, cà phê đi. Ai chơi lớn thì phá trắng để trồng sầu; người cẩn thận, yếu vốn, hoặc non gan thì phá một phần, một góc, hoặc một mảnh. Mọi ngóc ngách rục rịch lao đầu vào... sầu. Từ đồi cao xuống thung lũng. Từ vách núi tới lưng chừng đèo cao. Từ đất hợp pháp đến đất chưa hợp pháp, đất lấn chiếm rừng công thổ.
Anh đã thấy những cây sầu riêng lẻ loi. Đã thấy những mảnh sầu riêng lưa thưa của nông dân nghèo khó. Đã thấy những vườn sầu riêng mát mắt của nông dân trung lưu. Và cũng thấy những đại trang trại, đồn điền sầu riêng của những đại gia địa ốc, xây dựng, quan thầy “nuôi” nhân công chăm vườn như địa chủ buổi nào nuôi “tá điền”. Cũng như anh đã thấy những chóp núi sầu riêng, cheo leo, chọc giữa mây trời…
Ở đây đang thuần túy nói về một loại cây nông nghiệp, nên đừng hỏi vì sao chóp núi lại có thể trở thành trang trại sầu riêng bởi phù phép là khả năng siêu hạng của con người và thời đại. Những rẫy vườn trà, cà phê, cao su, hồ tiêu... định hình nền canh nông cây công nghiệp hơn trăm năm ở xứ Tây Nguyên hẳn đang mặc cảm, tủi phận, hóa “ngoại vi”, lép vế, dù nó vẫn đang lù lù đứng đó. Như cái rẫy điều kia, mỗi mùa cô bác lắt nhắt đi nhặt từng hạt điều bé tí để gom thành bịch, thành bao mang bán kiếm tiền lẻ, thì với sầu riêng nghe rơi cái “bịch” là ra tiền chẵn, tiền cục, mà chỉ cần gọi điện có ngay người đến mua, và thực chất thì cũng không cần gọi điện nữa, khi đã có “cò”.
Vinh hoa, phú quý, giấc mơ “tỷ phú” đang hiện ra.
Những vựa sầu riêng lớn nhỏ đủ kiểu mọc lên khắp nơi, từ các trung tâm huyện, xã, đến xóm núi, plei, bòn, buôn.
Núi đồi cứ như sục sôi.
Không bởi cái mùi thơm ngào ngạt của trái sầu chín luôn quét ngang mũi môi mà ở sự chộn rộn giăng khắp.
*
Người ơi, trái sầu riêng là thứ ăn tươi, tức khắc, phải bán ngay, dùng ngay; còn hạt cà phê, điều, tiêu, mắc ca là thứ bình tĩnh, để khô, hàng tiêu dùng thường nhật quanh năm, tích trữ mà. Vậy cớ sao để một loại cây trồng bỗng nhiên “đốt cháy” tâm trí thế? Chơi “sầu”. Hốt “sầu”. Ăn “sầu”. Ngủ “sầu”. Thức “sầu”. “Tám” chuyện “sầu”. Chờ “sầu”... Hấp lực như... bão. Đổ xô nuôi mộng, thoát khổ, đổi đời. Giữa mùa mưa tơi bời mà cao nguyên như lễ hội... “sầu”.
Từ Lâm Đồng, đến Kon Tum, từ Gia Lai sang Đắk Lắk, Đắk Nông, cùng vùng dọc dải núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), Hàm Thuận Bắc, Đức Linh (Bình Thuận), Tân Phú (Đồng Nai). Chưa từng thấy thế, nơi miền đất hoang hoải nhẹ nhàng, thâm trầm mà dồi dào dưỡng chất này. Sầu riêng đang làm vũ hội, đồi núi đang nhảy tango, còn nông dân đang chơi “nhạc remix cây trồng”. Nó đang vờn đất đỏ bazan như anh chàng chìm nổi cơ hàn bỗng có lần trúng số, như gái nhà nghèo vớ phải đại gia...
*
Sống giữa hiện thực cùng đồi núi và nông dân, ta nhận ra kẻ có vốn mà lúc này không lao vào sầu riêng là chỉ vì thế đất rẫy vườn đó không có được nguồn nước tưới chắc chắn; không gần suối, sông, hồ, rừng. Cây khác không tưới cũng có thể lây lất sống, nhưng với sầu riêng giống ghép “quý phái” như của Thái sẽ chết khi không đủ nước. Dĩ nhiên những cô bác “có gan” nhưng quá nghèo cũng không dám phá những rẫy cà phê, tiêu, điều... vì họ sẽ không có nguồn thu trong năm để sống ở giai đoạn chờ đến lúc thu được trái sầu riêng. Không vốn thay cây thì để nguyên rẫy cũ thế, với những cây “xóa đói yên bụng” thông thường qua ngày. Hoặc là vì, những nông dân nào đã thấm đòn bởi những thứ cây trồng khác trước kia thì như chim trúng tên, giờ hóa tỉnh quá, cẩn thận.
Nhưng ở đời, gì cũng vậy, muốn “lớn” là phải liều, phải bầm mình bầm mẩy, làm nông cũng là lò luyện “thép”. “Chơi lớn” là phải chuyên canh, không còn nghĩ “đường lùi”. Rằng, có thứ chuyên canh liều mạng (mạo hiểm) và thứ chuyên canh chuyên nghiệp sừng sỏ (trước khi trồng cây lâu niên phải có hợp đồng bao tiêu mới trồng). Dân cày nước tôi thì thừa liều mạng. Nên có vườn rẫy nào có được hệ thống bao tiêu đâu, có nông dân nào hình dung được đường đi vững rõ an toàn của “sầu” từ lúc xuống giống đến trái đặt nơi kệ hàng đâu! Thì, chuyên nghiệp… kiểu Việt Nam vậy!
Sầu riêng hấp dẫn như điên.
Những nông dân phá rẫy điều để trồng “sầu” nói chỉ cần trồng 5 cây sầu riêng đã bằng một hécta điều. Doanh thu 15 - 45 triệu đồng cho một hécta điều, tùy năm thất mùa hoặc được mùa. Đối cảnh là với đếm trái sầu riêng quy rõ ra tiền từ trên cây: 35-130 trái/140-370kg/cây trưởng thành. Mỗi hécta trồng được hai trăm cây. Cá biệt có những cây thuần thành chăm giỏi người ta thu được cả nửa tấn. Giá “sầu” năm nay nông dân bán ngay tại rẫy vườn phổ biến là sáu mươi lăm ngàn đồng, có ngày lên đến tám mươi ngàn đồng/1kg. Quả là thứ trái cây “thượng đẳng”, siêu lợi lãi. Chả có loại trái gì mà một trái đến vài trăm ngàn đồng và cây trồng thu về cả chục triệu đồng/1 cây mỗi năm như thế này.
Vụ “sầu” năm nay, đó đây nhiều nông dân đã có tiền tỷ lẫn nhiều tỷ...
*
Ta nhìn những ngọn núi sầu riêng, thung lũng sầu riêng thấy đẹp gì đâu. Đẹp từ hình dáng núi rừng nguyên bản buổi nọ đã tan rã cho đến nội hàm bên trong, dưới chiếc áo là tán lá khác. Nó vẽ những đường sinh cảnh thiên nhiên mới và vẽ cuộc đời thế nhân mới cũng kỳ công, gian nan, tần tảo, quyết liệt, da diết, tự bơi, đặt cược, hồi hộp, phập phồng. Thế trận mưu sinh dưới mặt đất đã xoay vần bài trí ra thế rồi.
Hiện sinh trước mắt, mừng cho nông dân. Nhưng ta không dám vỗ tay tung hô, chẳng khích động, “khuyến nông” bằng chót lưỡi, kiểu trét son hô hào “nông thôn mới” bất chấp đạo lý thực tế, bởi nó là sinh mệnh của người đời, mà vòng đời con người quá ngắn với chỉ một lần làm người sao cứ liên tục “đổi cây” lâu niên. Vì mấy chục năm nay ta chứng kiến quá nhiều “trận chiến cây trồng” tự bươn và tự bơi của dân cày giữa bể cần lao tìm lối sinh tồn thay cây đổi giống, trồng - chặt (bỏ), chặt - trồng, hết hồ tiêu, điều, thanh long, mía đường, cao su, cà phê, trà, bơ, ca cao, quýt, bưởi, xoài, măng cụt, mắc ca...
Và ta thấy nó có chu kỳ cứ sau mỗi 4 năm một loại cây trái gì lên ngôi, “hot giá” lại rơi ngang trời, bế tắc, lụn bại. Mà em biết không, mỗi lần như thế ta xót mà la lên vô vọng: “Khi nông dân phải chặt chân mình”. Chừng 3 năm nữa thôi, sầu riêng sẽ bạt ngàn trên Tây Nguyên.
Niềm vui đang phơi phới, sướng không cưỡng lại được, nhưng đường dài chỉ biết nhắn nhau “say tỉnh táo”, để sầu riêng không thành... sầu chung. Đã xuống cây sau 3 năm là không còn đường lùi, là cưỡi trên lưng cọp. Cả cái đất nước này kỳ lắm, đâu ai chỉ chắc chắn cho nông dân nên trồng cây gì và trồng bao nhiêu cây (diện tích) là đủ, là “ổn”, và nhất là lời cam kết đảm bảo “đầu ra” (thị trường) lâu dài. Một đất nước nhiệt đới nhiều ngàn năm nông nghiệp, thiên thời địa lợi, dồi dào cơ hội sung túc bền chắc, nhưng chưa hề thấy một sàn đấu xảo nông sản nào cho một nền nông nghiệp hàng hóa. Hiểu mà, nên dân nông tự đo lường cuộc chơi sống sót, chấp nhận đánh cược với thị trường, và cũng không hề đổ thừa ai.
Còn sống thì còn phải lao động, mà nông dân không trồng cây thì làm gì!
Đố ai “phanh” được diện tích sầu riêng lúc này!
*
Sầu riêng đang phát triển mà như đang… “trôi”, trôi… rực rỡ.
Thị trường và “giá” cứ đẹp như mùa này thì nông dân cao nguyên sẽ thở phào, hoặc khấm khá. Thực khách nước ngoài, chủ yếu Trung Quốc, đang ưa chuộng sầu riêng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mấy tháng qua, dễ thấy thương lái Trung Quốc, rồi những biển hiệu mua sầu riêng bằng chữ Hán hiện ra đó đây ở cao nguyên, cùng lớp lớp xe container chực chờ chở “sầu” hướng ra Bắc để sang biên giới. Trong lúc nước ấy cũng đang tập trung “phủ sóng” những diện tích sầu riêng khổng lồ xuống vùng cao nguyên Vân Nam và đảo Hải Nam của họ bằng chính giống sầu riêng đặc sắc của xứ Đông Nam Á. Có khi rồi sầu riêng cũng bạt ngàn ở Trung Quốc. Chừng 3 năm nữa, họ bắt đầu thu trái, không biết nông dân nước mình có biết diễn tiến này chưa?
Đôi khi ta ngồi nhớ lại bao lần trái cây nọ kia của dân mình xếp hàng ùn ứ ở cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhiều bận đem đổ luôn xuống vực sâu nơi miền biên viễn. Mùa “sầu” năm nay ở Đông Nam Á, ta cũng cố để dõi mắt ra khỏi “ao” vườn xem cách thị trường này ứng xử với nguồn sầu riêng của từng nước, nào Thái Lan, Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia... và nhận ra nó có rất nhiều cung bậc: khó - dễ, nóng - mát, nặng - nhẹ, thường - lạ, toang - hé, mở - dọa, ưu ái, đối đãi, bang giao... Cái thế kỷ mà “thị trường” là… chính trị, ngoại giao, tình cảm, con bài, ân huệ, mặc cả, lợi thế, và đâu đó có khi còn là “vũ khí” mềm hữu hiệu vô hình.
Đây là năm “sầu” đang hút hàng, “người ta” cần đến mình, bởi thiếu, còn cần, còn chịu. Nó đang là rực rỡ của hên-xui, rực rỡ lâm thời. Mong manh rực rỡ. Ước gì đầu ra cho “sầu Việt” là những nước chững chạc, văn minh, khí khái. “Sầu” cũng cần độc lập, sòng phẳng, công bằng, tự chủ, tự do, bền chắc, và tự nhiên.
Dưới mặt đất đang có cây “sầu” làm mưa làm gió vậy đó, thủ thỉ em mơ nơi trời xa thị thành cách trở...
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cao-nguyen-moi-nga-bao-la-sau-40860.html