'Cáo săn chồn' MiG-31 vẫn là bí ẩn với phương Tây trên bầu trời Ukraine
Trong kỷ nguyên trinh sát vệ tinh, những chiếc MiG-31 vẫn chứng minh được giá trị trong cả vai trò giám sát và chiến đấu.
Mẫu máy bay này được đưa vào biên chế từ năm 1981 và tiếp tục là một trong những loại máy bay có năng lực tác chiến không đấu không mạnh nhất của lực lượng vũ trang Nga. Phương Tây đã gọi nó là "Siêu Foxbat" để phân biệt với mẫu tiền nhiệm MiG-25 “Foxbat”.
Những chiếc MiG-25 này mặc dù có tốc độ và độ cao vượt trội, song hạn chế ở khả năng mang theo tên lửa hoặc các loại cảm biến camera.
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh đã cung cấp cho Kiev một bức tranh toàn cảnh theo thời gian thực về chiến trường và hoạt động của các lực lượng trên mặt đất. Năng lực tấn công tầm xa của Ukraine đã được tăng cường đáng kể với những chuyến bay trinh sát từ những đối tác phương Tây.
Thông tin từ những bản đồ tình báo nguồn mở (OSINT) cho thấy, các chuyến bay trinh sát đã tăng mạnh trong giai đoạn từ 20/3 đến 20/5.
“Cáo săn chồn”
MiG-31 “Foxhound” là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới sử dụng radar mảng pha Zaslon. Kích thước hoàn hảo và độ tinh vi của hệ thống radar này giúp chiến đấu cơ của Nga có khả năng nhận thức tình huống vượt trội so với những chiếc máy bay chiến đấu khác.
Trước thời điểm năm 2001, khi Nhật Bản ra mắt mẫu máy bay Mitsubishi F-2 với radar mảng pha tiên tiến, MiG-31 nắm giữ danh hiệu là loại máy bay chiến đấu duy nhất trên thế giới sở hữu công nghệ radar này. Trong khi đó, Washington áp dụng công nghệ mới muộn hơn nhiều so với Moscow.
Biến thể mới nhất MiG-31 BM được trang bị thêm khả năng không đối đất, bên cạnh một radar Zaslon-AM cải tiến có khả năng phát hiện mối đe dọa từ phạm vi 320 km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không.
“Không giống như các biến thể ban đầu, MiG-31 BM có thể hoạt động như một máy bay cảnh báo sớm trên không cỡ nhỏ. Nó có thể hoạt động như một sở chỉ huy trên không và điều phối hoạt động của các máy bay chiến đấu khác có radar yếu hơn nhờ radar tầm xa mạnh mẽ và liên kết dữ liệu để tạo ra mạng lưới nhiều liên lạc radar”, một quan chức Không quân Ấn Độ cho biết.
Khả năng bay ở rìa không gian (ranh giới giữa bầu khí quyển và ngoại tầng) giúp MiG-31 có thể theo dõi đối phương liên tục mà không bị gián đoạn, cùng tốc độ trên Mach 2,8 giúp chúng đủ sức bao phủ những vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc và Trung Á.
Những “chú cáo săn” dự kiến sẽ tiếp tục phục vụ trong biên chế quân đội Nga cho đến năm 2040. Đây cũng là mẫu máy bay được Moscow triển khai ở khu vực Bắc Cực do chúng có khả năng hoạt động trên các đoạn đường băng bị đóng băng.
“Một số người có thể nói rằng trong thời đại vệ tinh, máy bay do thám không còn vai trò gì. Tuy nhiên, các vệ tinh có giới hạn về thời gian và số lần một vệ tinh có thể dành cho một khu vực cụ thể. Trong khi đó, một chiếc máy bay như MiG-31 có thể cung cấp cho bạn dữ liệu thời gian thực”, chuyên gia không quân Ấn Độ tiết lộ.
“Bóng ma” trên không
MiG-31 cũng là máy bay chiến đấu đầu tiên có cả khả năng nhìn xuống và bắn hạ mục tiêu bay dưới nó. Hệ thống radar trên máy bay có thể phát hiện, theo dõi và dẫn hướng đạn tới mục tiêu đang di động trên không bên dưới.
Mặc dù được đưa vào sử dụng từ những năm 1981, song những chiếc máy bay này chỉ lần đầu tiên tham chiến vào năm 2020. Chúng cũng xuất hiện trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.
Giới quan sát thông tin, Nga có khoảng 130 máy bay loại này, trong khi không quân Kazakhstan vận hành 20 chiếc khác.
Sau khi dừng dự án MiG-31M do hạn chế về ngân sách, Nga đã nâng cấp những chiếc “cáo săn mồi” lên tiêu chuẩn MiG-31B với trang bị radar Zaslon-M có khả năng theo dõi đồng thời 24 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc bằng tên lửa không đối không 33S.
Foxhound cũng là máy bay chiến đấu trọng lượng lớn nhất thế giới, nặng hơn 10.000 kg so với F-22 của Mỹ. Một chiếc MiG-31 có thể bắn tên lửa R-37M vào sâu hàng trăm dặm trong lãnh thổ Ukraine trong khi vẫn bay vòng an toàn trên không phận của Nga khiến các lực lượng Kiev bất lực.
(Theo EurAsian Times)