Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dồn lực về đích

Nhằm thúc đẩy giao thương và xuất khẩu hàng hóa, thời gian qua QL1A đoạn Hà Nội - Lạng Sơn đã được nâng cấp mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển GTVT. Dự báo trước nhu cầu phát triển của vận tải đường bộ lên các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng... và tiến trình đẩy mạnh thông thương với Trung Quốc, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã được đầu tư theo hình thức BOT dần được hình thành với tổng chiều dài 65km. Khi tuyến cao tốc này đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải cho Ql1A, thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh phía Bắc phát triển.

 Dốc sức đẩy nhanh tiến độ

Dốc sức đẩy nhanh tiến độ

Chúng tôi có mặt tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào những ngày cuối năm Mậu Tuất, khi những chuyến xe hàng đang nối đuôi nhau chở nông sản sang cửa khẩu Hữu Nghị. Hai bên vệ đường loáng thoáng những cây đào đã lấm tấm đơm hoa, báo hiệu mùa xuân đang tới. Ấn tượng đặc biệt của chúng tôi là toàn bộ tuyến QL1 đoạn từ km1+800 khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị đến km112 (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) được thảm nhựa êm thuận, hệ thống báo hiệu được bố trí đầy đủ, dễ quan sát. Đây là tuyến trọng điểm về vận tải song không có dấu hiệu của hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết: Dự án này được chia làm hai hợp phần: Hợp phần QL1 với điểm đầu từ km1+800 thuộc khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị, điểm cuối là km112 (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang); tổng chiều dài là 110km, hợp phần QL1 đã hoàn thành và thu phí bắt đầu từ ngày 01/6/2018. Hợp phần cao tốc với điểm đầu từ km45+100 (xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), điểm cuối là km108+500 (TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang); tổng chiều dài là 64,3km.

Cũng theo ông Vĩnh, khối lượng đạt được đến nay vượt so với tiến độ yêu cầu khoảng 4%. Theo tiến độ hiện tại, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, hiện Công ty đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác sớm hơn so với tiến độ đề ra. Để đạt mục tiêu này, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các đơn vị tranh thủ thời tiết ủng hộ gấp rút thi công.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Tuấn Điều - kỹ sư phụ trách gói thầu thảm thuộc nhà thầu Licogi 16 cho biết: “Chúng tôi áp dụng công nghệ máy thảm một làn đường với bề ngang 13m cho dự án, phù hợp với hai làn xe trên cao tốc nên khắc phục được mối tiếp giáp giữa hai làn thảm, đảm bảo sự êm thuận khi khai thác. Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thảm, anh em chỉ nghỉ ngày 30 tháng Chạp, mồng 1, mồng 2 Tết Âm lịch, sau đó tiếp tục triển khai thi công để đảm bảo tiến độ.

Điều khác biệt trên cao tốc là toàn bộ giải phân cách giữa của dự án được tiến hành đúc sẵn tại chỗ do Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long đảm nhiệm. Theo Giám đốc Vĩnh, công nghệ này vừa đảm bảo tính mỹ thuật, kỹ thuật và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Tập trung gỡ vướng mặt bằng

Trước đây, Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý dự án. Đến tháng 5/2018, Dự án được Bộ GTVT chuyển giao cho UBND tỉnh Lạng Sơn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia giám sát toàn bộ quá trình triển khai dự án về chất lượng, tiến độ, công tác huy động vốn, giải ngân… Cũng theo ông Vĩnh, được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, đến nay công tác triển khai dự án diễn ra thuận lợi, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản được hoàn thành. Ngoài ra, sự phối hợp trong công tác an ninh, trật tự, triển khai dự án giữa nhà đầu tư với địa phương cũng diễn ra nhịp nhàng, hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 11 vị trí thuộc khu vực huyện Lạng Giang (tỉnh Lạng Sơn) còn đang vướng mắc về mặt bằng; tuyến chính còn 14 vị trí vướng mắc, ảnh hưởng đến thi công nền đường và trụ cầu. Đặc biệt, vướng mắc tồn tại kéo dài tại các gói thầu XL15-CT và XL19-CT gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành toàn bộ Dự án. Ngoài tuyến chính còn 4 vị trí vướng mắc ảnh hưởng đến thi công đường gom và phần cầu tại các gói thầu XL15-CT và XL18-CT. Địa bàn TP. Bắc Giang hiện còn 5 vị trí, trong đó tuyến chính vướng 02 vị trí đoạn km108+280 do 02 hộ ngăn cản không chịu di dời. Ngoài ra, tuyến QL1 cũng còn vướng 3 vị trí về giải phóng mặt bằng.

Đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản đã giải quyết xong mặt bằng trên tuyến chính, chỉ còn lại vài vị trí thu hồi đất bổ sung như cải mương, mở rộng mái ta-luy, mặt khác đường gom cần tiếp tục giải phóng mặt bằng.

Cũng theo ông Vĩnh, Công ty đang khẩn trương thi công, đẩy nhanh tiến độ tại những điểm đã bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, đơn vị rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của địa phương trong công tác bàn giao mặt bằng để bảo đảm tiến độ thi công tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đưa dự án về đích vào cuối năm 2019, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn nói riêng và của cả vùng mà tuyến đường đi qua

Tuyến đường được thiết kế quy mô 4 làn xe, vận tốc 100 km/h. Sản lượng thi công hợp phần cao tốc cho đến nay đạt 3.762 tỷ đồng (đạt 60%), trong đó khối lượng thi công đào, đắp nền đường đạt 98%; thi công cấp phối đá dăm đạt 88%; thi công cống các loại đạt 95%; thi công bê tông nhựa đạt 16%; hạng mục cầu đã thi công 33/33 cầu, sản lượng cầu đạt 87%. Giá trị giải ngân đạt 6.926 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng đạt 1.485 tỷ đồng; giải ngân cho các gói thầu tư vấn và xây lắp đạt 4.441 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư của dự án là 12.188 tỷ đồng.

Hoàng Long

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/cao-toc-bac-giang--lang-son-don-luc-ve-dich-d71162.html